(TSVN) – Bộ NN&PTNT vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 111 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản và đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu sản xuất nông lâm thủy sản (nông sản) cơ bản được cơ giới hóa, trong đó các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được cơ giới hóa đồng bộ; ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh, phát triển bền vững nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản và đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Đến năm 2030, phấn đấu cơ giới hóa các khâu sản xuất thủy sản đối với nuôi trồng đạt trên 70%. Ảnh: Tép Bạc
Cụ thể, về phát triển cơ giới hóa nông sản: Cơ giới hóa các khâu sản xuất cây trồng chủ lực đạt bình quân trên 90% vào năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% vào năm 2030; Cơ giới hóa các khâu sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cẩm đạt trung bình trên 80% vào năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% vào năm 2030; Cơ giới hóa các khâu sản xuất thủy sản đối với nuôi trồng đạt trên 70%; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt trên 85%; Cơ giới hóa các hoạt động lâm nghiệp đối với sản xuất giống, trồng cây, khai thác và vận chuyển đạt trên 70%; Cơ giới hóa các hoạt động diêm nghiệp đối với sản xuất cấp nước, tiêu nước, gom muối trên đồng và thu hoạch, vận chuyển muối đạt trên 70%.
Về phát triển chế biến, bảo quản nông sản: Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8,0%/năm vào năm 2025 và 10,0%/năm vào năm 2030; Trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên vào năm 2030; Tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông sản chủ lực giảm 0,5 % đến 1,0 %/năm; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực là sản phẩm chế biến đạt 60%; Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.
Kế hoạch tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về máy móc, thiết bị, công nghệ trong nông nghiệp, năng lực chế biến và sản phẩm nông sản chế biến; hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các ngành hàng nông sản. Cập nhật, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế chung, các tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn của các thị trường lớn.
Xây dựng, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; Rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về thuế đối với máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản; đổi mới chính sách tín dụng; ưu tiên xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản chủ lực gắn liền với Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam; Tăng cường áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất trong các cơ sở chế biến nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Cùng đó, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp; Phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, công nghệ; công nghiệp hỗ trợ cho cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông sản; Nâng cao năng lực chế biến nông sản.
Thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; Xây dựng cơ sở dữ liệu cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng thời, mở rộng thương mại thiết bị, công nghệ cho nông nghiệp; hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trao đổi kinh nghiệm và triển khai các dự án hợp tác phát triển về lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản. Triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận về lĩnh vực nông nghiệp của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường áp dụng quy trình công nghệ, hệ thống quản trị tiên tiến và hiện đại của thế giới nhằm đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ và năng lực trong cơ giới hóa và chế biến nông sản trong nước.
Phan Thảo