(TSVN) – Kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam thời gian qua ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, song vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức.
Theo số liệu từ Cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,355 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cho thấy sức bật mạnh mẽ của ngành thủy sản sau đại dịch COVID-19.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là tôm, cá tra, basa. Tuy nhiên, các mặt hàng khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể,… cũng đang được xuất khẩu ngày càng nhiều. Đơn cử như, xuất khẩu cá ngừ tháng 6/2024 ghi nhận mức tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 85 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam mang về 472 triệu USD từ xuất khẩu cá ngừ, tăng 23%.
Thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang dần chuyển dịch sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại. Tại thị trường khó tính như EU, thống kê cho thấy xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang thị trường EU có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 40% trong tháng 6/2024. Lũy kế nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1,95 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng NTTS đạt 2,43 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng ngành thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo VASEP, xuất khẩu tôm tăng 7%, chủ yếu nhờ tôm hùm sống xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, trong khi đó xuất khẩu TTCT tăng trưởng nhẹ, tôm sú giảm. Việc đạt mục tiêu 4 tỷ USD cho xuất khẩu tôm trong năm nay là rất khó. Bởi, ngành tôm đang đối mặt với khó khăn về giá xuất khẩu thấp. Các nước xuất khẩu tôm khác như Ecuador và Ấn Độ đang gia tăng sản lượng và chào giá ngày càng thấp. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên tôm cũng là vấn đề lớn đối với người nuôi và doanh nghiệp. Bệnh mờ đục trắng gan trên TTCT (TDP) đang diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục, có khả năng gây thiếu nguyên liệu tôm trong nửa cuối năm 2024.
Với cá tra, tuy có cải thiện về nhu cầu nhưng giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường vẫn thấp. Theo thống kê của VASEP, xuất khẩu cá tra nửa đầu năm nay đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Mỹ và EU hiện nay chỉ có Mỹ là khả quan hơn khi lượng tồn kho ở thị trường này đã giảm đi và tình hình kinh tế đang có chiều hướng tiến triển tốt. Tại thị trường Trung Quốc, giá nhập khẩu cá tra fillet của Việt Nam quá thấp, chỉ khoảng 1,8 USD/kg. Vì vậy, việc tìm kiếm thị trường mới, nâng cao giá trị sản phẩm là những giải pháp cấp thiết để ngành cá tra Việt Nam có thể tăng giá trị xuất khẩu và cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường quốc tế.
Không chỉ tôm và cá tra gặp khó, cá ngừ cũng đang gặp phải nguy cơ thiếu nguyên liệu để xuất khẩu. VASEP thông tin, nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước hiện chỉ đủ chế biến trong 8 – 10 ngày, còn lại là không có nguyên liệu, hoặc phải dùng nguyên liệu nhập khẩu. Nguồn nguyên liệu gặp khó là do những vướng mắc liên quan đến quy định chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, Nghị định 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ, quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn là 500 mm (tương đương 50 cm) và quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
6 tháng cuối năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,89 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 1,57 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 3,32 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,1 tỷ USD.
Để đạt được kết quả như kỳ vọng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành thuỷ sản tập trung rà soát quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác, xử lý khối tàu cá “3 không” và tập trung cao điểm về chống khai thác IUU. Kịp thời xem xét tháo gỡ liên quan đến quy định kích cỡ khai thác cá ngư vằn. Đẩy mạnh quản lý con giống, thức ăn và vật tư đầu vào, không để thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần bám sát, thường xuyên theo dõi hoạt động cảnh báo quan trắc môi trường, kiểm soát dịch bệnh để không bị động có hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra, ngành thủy sản cần đẩy mạnh các hoạt động nuôi biển, cơ giới hóa đội tàu khai thác thủy sản, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để bảo quản nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, giảm tổn thất. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; chuyển dịch thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường chủ lực.
Bình An