(TSVN) – Ngành tôm Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để bứt phá và khẳng định vị thế trên thị trường tôm thế giới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế đến cuối tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so năm trước. Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD cho cả năm 2024.
Các sản phẩm tôm chế biến sẽ là lợi thế giúp ngành hàng này tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: Shutterstock
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc – Hồng Kông đã vượt qua các thị trường khác để trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với mức tăng trưởng ấn tượng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lên hơn 1,7 tỷ USD. Thị trường Mỹ đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD. Trong khi đó, các thị trường truyền thống như Nhật Bản, EU và Hàn Quốc vẫn đóng góp ổn định vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Về cơ hội cho thủy sản Việt Nam trong tháng cuối năm, giới chuyên gia đánh giá, do nhu cầu tăng cao nên lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp bước vào chu kỳ nhập hàng mới, cùng với đó là làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ thị trường thế giới,… sẽ giúp thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của toàn ngành.
Đối với riêng ngành tôm Việt Nam, xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt 345,5 USD trong tháng 11, tăng 21,8% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2024, mặt hàng tôm đã mang về hơn 3,6 tỷ USD, tăng 22% so cùng kỳ năm trước, chiếm 38,8% kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Theo dự báo, sản xuất tôm toàn cầu sẽ tăng trở lại cuối năm 2024, năm 2025 duy trì ổn định. Đặc biệt, vào ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra về thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia bao gồm: Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Trong số các nước cùng bị điều tra, mức thuế của Việt Nam thấp hơn mức thuế dành cho Ấn Độ và Ecuador.
Như vậy, với việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp cao hơn đối với sản phẩm tôm từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia vào cuối tháng 12/2024, ngành tôm Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng được lợi thế này trong thời gian tới.
Cùng đó, mùa lễ hội cuối năm vẫn sẽ là cơ hội để xuất khẩu tôm nước ta bùng nổ. Việc khai thác tốt dư địa từ các thị trường bằng nhiều sản phẩm chế biến sâu sẽ giúp ngành hàng tỷ đô này tiếp tục tăng trưởng và đóng góp tích cực vào mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD của ngành thủy sản.
Bên cạnh các cơ hội trên, việc Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) cũng sẽ mở ra con đường lớn cho tôm Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông – châu Phi.
Theo lãnh đạo Cục Thủy sản, chi phí, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng kéo theo những thách thức nhất định đối với nguyên liệu cho xuất khẩu. Đơn cử, giá tôm nguyên liệu có xu hướng tăng 10 – 20% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nuôi trồng.
Thực tế, từ giữa tháng 8 đến nay, giá tôm thương phẩm tại ĐBSCL đã tăng mạnh, làm ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp chế biến, bởi phải thu mua tôm nguyên liệu giá cao, trong khi giá thành phẩm phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm giá rẻ.
Năm nay, nguồn cung tôm giảm mạnh, mùa vụ ngắn hơn so năm trước, khiến lượng tồn kho tại các nhà máy sụt giảm. Điều này xuất phát từ sự kết hợp giữa nhu cầu xuất khẩu tăng và nguồn cung nguyên liệu thấp. Để duy trì sản xuất và đáp ứng đơn hàng, các nhà máy chế biến lớn buộc phải tăng giá thu mua.
VASEP dự báo, tình trạng thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ kéo dài đến hết quý I/2025. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp chế biến đối mặt với thách thức lớn khi phải thu mua tôm nguyên liệu giá cao, trong khi giá thành phẩm phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm giá rẻ hơn từ nhiều quốc gia. Điều này khiến hiệu quả kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh vấn đề thiếu nguồn cung tôm nguyên liệu, xuất khẩu thủy sản cũng phải đối mặt với những thách thức từ chính sách thương mại quốc tế. Chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng nhập khẩu dồn dập trong các tháng cuối năm 2024, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những rủi ro như tăng cước vận tải.
Các doanh nghiệp thủy sản phải thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường; đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình để phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản và thủy sản lên khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi; và phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo đảm phát triển bền vững ngành thủy sản. Thêm vào đó, việc tham gia và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi thuế quan.
Đông Phong