Đây là ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Việt Thắng tại buổi Tổng kết hoạt động tháng 4, 5/2015 và bàn kế hoạch công tác thời gian tới của Hội Nghề cá Việt Nam, diễn ra ngày 1/6, tại Hà Nội.
Trong hai tháng qua, Hội Nghề cá Việt Nam đã tổng kết kết quả triển khai thực hiện Nghị định 67. Tính đến 15/5 đã có 23/28 tỉnh phê duyệt 818 tàu (731 tàu đóng mới và 87 tàu nâng cấp), chiếm 35,8% số tàu được Bộ NN&PTNT phân bổ cho các địa phương, ngân hàng đã nhận 200 bộ hồ sơ vay vốn và ký hợp đồng tín dụng được 43 tàu với tổng số vốn gần 408 tỷ đồng. Hội đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản giải pháp để đẩy mạnh thực hiện Nghị định 67; Văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương đề nghị phản đối phía Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở biển Đông; Văn bản chỉ đạo Hội Nghề cá các tỉnh hướng dẫn ngư dân tăng cường bám biển, bảo vệ ngư dân, sản xuất… Hội Nghề cá Việt Nam và các địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn hội viên và ngư dân đẩy mạnh sản xuất, đánh bắt, chế biến, dịch vụ. Phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức các hội thảo về nuôi tôm nước lợ, quy hoạch nuôi trồng thủy sản… Các đơn vị trực thuộc Hội như ICAFISH, FITES, Tạp chí Thủy sản Việt Nam… hoạt động đạt nhiều kết quả.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng đánh giá cao hoạt động của các đơn vị, mặc dù rất khó khăn về kinh phí, các đơn vị vẫn làm được nhiều việc, có giá trị, xây dựng thương hiệu, tinh thần hợp tác cao… Đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới Hội, các đơn vị trực thuộc cần tập trung cao độ, nắm bắt thông tin hai chiều từ trung ương đến cơ sở để có những phản ứng kịp thời trong nuôi trồng thủy sản, khai thác; Kiến nghị biện pháp khắc phục dịch bệnh tôm, bảo hiểm cho tôm, cá tra; Kiến nghị một số nội dung tại Nghị định 67; Tích cực chủ động công tác, chuẩn bị cho kỳ họp thường vụ Hội Nghề cá sắp tới…