(TSVN) – Thời gian qua, với nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU nên ngành thủy sản Nam định đã đạt được một số kết quả tích cực.
Thông tin từ Sở NN&PTNT Nam Định, toàn tỉnh có 1.768 tàu cá. Trong đó, có 548 tàu có chiều dài dưới 6 m; 395 tàu từ 6 m đến dưới 12 m; 290 tàu từ 12 m đến dưới 15 m và 535 tàu từ 15 m trở lên.
Hiện có 1.220 tàu cá đã đăng ký hoạt động, trong đó 1.209 tàu đã thực hiện đánh dấu tàu cá (đạt 99,10%), gồm loại tàu từ 6 m – <12 m: 384/395 tàu, loại tàu từ 12 – < 15 m: 290/290 tàu, loại tàu từ 15 – < 24 m: 516/516 tàu, loại tàu từ 24 m trở lên: 19/19 tàu. Toàn bộ 1.220 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên (đạt 100%) đã được cập nhật dữ liệu trên VNfishbase.
1.220 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên (đạt 100%) đã được cập nhật dữ liệu trên Vnfishbase. Ảnh: Văn Chiến
Để bảo đảm việc khai thác đạt hiệu quả, đúng quy định của pháp luật và căn cứ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi năm 2024, Sở NN&PTNT Nam Định đã tập trung chỉ đạo Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho 553 tàu cá thuộc diện phải cấp phép. Trong đó cấp phép cho 358 tàu cá, đạt 66,5% tập trung khai thác vùng khơi; 113 tàu cá khai thác vùng lộng và 82 tàu khai thác ven bờ.
Hiện, Chi cục Thủy sản tiếp nhận và xử lý trên môi trường điện tử 21 hồ sơ cấp giấy phép khai thác thủy sản, phấn đấu đến hết tháng 6/2024 hoàn tất cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 100% tàu thuộc diện phải cấp phép.
Tính đến ngày 15/5, tổng sản lượng khai thác thủy sản của Nam Định ước đạt 21.614 tấn, đạt 35,43% kế hoạch. Trong đó khai thác biển đạt 20.911 tấn, khai thác nội địa đạt 703 tấn. Các huyện đạt kết quả khai thác cao là Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường…
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Nam Định, 5 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã phát hiện, xử lý phạt hành chính 78 vụ/81 đối tượng vi phạm các quy định về khai thác IUU với tổng số tiền 719 triệu đồng.
Để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật, ngành chức năng tỉnh Nam Định sẽ chỉ đạo đổi mới hình thức tuyên truyền bằng nhiều cách khác nhau để nâng cao hiệu quả truyền thông, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, ngư dân. Tăng thời lượng tuyên truyền phổ biến các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 42/2019/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam để ngư dân biết, hiểu và chấp hành đúng quy định của Pháp luật.
Ngoài ra, thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên biển và tại các cảng cá; ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU.
Tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập bến tại các cảng cá và bến cá chưa công bố mở cảng; có phương án giám sát sản lượng ở những nơi chưa được đầu tư xây dựng cảng cá.
Cùng đó, tỉnh Nam Định sẽ nỗ lực bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Cụ thể, các địa phương tổ chức phát động người dân thả giống xuống vùng nước tự nhiên, góp phần gìn giữ, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhất là những loài thủy sản nước ngọt nhằm phát triển kinh tế thủy sản bền vững, có trách nhiệm với môi trường. Đồng thời, tăng cường theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tình hình nuôi trồng, khai thác thủy sản; theo dõi, nắm bắt thông tin việc thực hiện danh mục các loài thủy sản cần được ưu tiên bảo vệ, việc bảo tồn giống quỹ gen, đa dạng sinh học thủy sản.
Lê Loan
Ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định sẽ thường xuyên rà soát, thông báo danh sách tàu nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh để phối hợp kiểm tra, xử lý, xử phạt, không cho các tàu cá ra khơi khi chưa đủ các giấy tờ, thủ tục theo quy định.