Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nam Định (Sở NN và PTNT), mỗi năm, toàn tỉnh khai thác được trên 100 nghìn tấn sứa và hàng nghìn tấn sứa ăn liền của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sứa được khai thác tập trung ở các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng…
Đầu những năm 1990, nhân dân các xã ven biển của tỉnh mới biết chế biến sứa thành sứa ép để xuất sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, việc chế biến, tiêu thụ sứa không ổn định, giá cả bấp bênh do bị ép cấp, ép giá.
Khai thác sứa ở huyện Giao Thủy
Từ năm 2000, một vài cơ sở chế biến sứa ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã cùng với chuyên gia Trung Quốc (đảm nhiệm kỹ thuật) thực hiện sơ chế sứa sau đó chuyển sang Trung Quốc để chế biến thành sản phẩm hoàn thiện với các món ăn ngon và giòn: Nộm sứa, gỏi sứa….Nhiều người ven biển đã đi sâu tìm hiểu cách chế biến sứa. Từ nguồn sứa nguyên liệu có sẵn tại địa phương, thay vì xuất bán thô dưới dạng ép khô xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, ướp muối xuất sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan thì nhiều đơn vị đã chế biến sản phẩm thành sứa ăn liền tiêu thụ nội địa, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện, sản phẩm sứa ăn liền được bán rất chạy ở các nhà hàng, khách sạn. Khai thác và chế biến sứa đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nhân dân các xã ven biển. Tại thị trấn Thịnh Long, các xã Hải Lý, Hải Triều (Hải Hậu)… có ngày đánh bắt 2 – 3 chuyến sứa, cho thu nhập 300 – 500 nghìn đồng/người/ngày. Các nơi khác cũng cho thu nhập tương tự.