Nam Định: Làm giàu nhờ nuôi lươn không bùn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Anh Vũ Văn Như, người thôn Ninh Mỹ là người đầu tiên của xã Hải Giang, Hải Hậu (Nam Định) mạnh dạn nuôi lươn không bùn, đến nay đã bước đầu thành công.

Năm 2018, anh Như mua 2.000 con lươn giống từ Bình Dương về thử nghiệm. Sau một năm nghiên cứu tự nuôi, thấy con lươn phù hợp với khí hậu địa phương, nhất là với nguồn nước giếng khoan có sẵn và có tiềm năng phát triển, anh quyết định đi học. Anh Như vào Bình Dương tham quan các mô hình nuôi lươn không bùn thành công để học hỏi.

Sau 5 năm kể từ ngày thử nghiệm, gia đình anh Như hiện nay đã bỏ hoàn toàn nuôi lợn để chuyển sang lươn. Mảnh vườn khoảng 300 m2 của anh Như giờ chỉ còn lác đác vài chục con gà dù trước đây từng nuôi cả nghìn con.

Lươn giống vận chuyển từ ĐBSCL với mức giá cao. Ảnh: CTV

Để có một lứa lươn xuất bán cần nuôi từ 10 – 12 tháng và theo tính toán của bà con ở Hải Giang, mỗi 1 kg lươn cần khoảng 1,2 kg thức ăn với giá thức ăn hiện vào khoảng 33.000 đồng/kg, tính xấp xỉ 40.000 đồng/kg lươn, chưa kể con giống, công chăm sóc.

Về giống, các hộ nuôi lươn vẫn nhập từ khu vực ĐBSCL với mức giá dao động từ 50 – 60 triệu đồng/1 vạn giống tùy thời điểm, với kích thước 300 – 400 con/kg.

Giá bán lươn hiện nay vào khoảng 150.000 đồng/kg lươn sống, có giảm so với trước đây (vào khoảng 200.000 đồng/kg) nhưng vẫn đảm bảo được lợi nhuận cho người nuôi lươn.

Trong năm 2022 với 20 bể, anh Như đã xuất bán được khoảng hơn 5 tấn lươn thương phẩm. Hiện nay, gia đình anh Như đang mở rộng quy mô lên 40 bể, nuôi theo hình thức gối vụ để giảm áp lực về tài chính khi mua giống.

Hải Giang hiện nay có khoảng 15 hộ đang đầu tư nuôi lươn không bùn và thành lập một hội nhóm nhỏ. Trong hội, các gia đình cùng nhau hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm, người đi trước giúp người đi sau để cùng nhau phát triển. Hiện nay, lươn thương phẩm của toàn xã chủ yếu được bán cho các thương lái, chưa có đầu ra ổn định nên nhiều hộ đang rất đắn đo khi muốn mở rộng quy mô nuôi lươn.

UBND xã Hải Giang cho biết, chính quyền địa phương đang xem xét, hỗ trợ những gia đình có nhu cầu để chuyển đổi những diện tích trồng lúa không còn hiệu quả sang nuôi lươn. Đại diện lãnh đạo xã cũng bày tỏ mong muốn nhận được thêm sự quan tâm của các ngành, các cấp để hỗ trợ bà con trong việc xúc tiến thị trường, hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất. Hiện xã cùng bà con sản xuất lươn không bùn đang tìm hiểu, đánh giá khả thi để triển khai các sản phẩm lươn qua chế biến, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP cho mặt hàng này.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!