(TSVN) – Nghề nuôi cá lồng trên sông ở Nam Định đã và đang phát triển mạnh, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện toàn tỉnh có trên 20 hộ với khoảng 260 lồng nuôi các loại. Các đối tượng nuôi đều là nhóm đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá lăng, chép giòn, trắm cỏ,… Cụ thể, ở xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) các hộ nuôi cá lồng tập trung vào đối tượng cá Koi – một loại cá cảnh có giá trị rất cao đang được ưa chuộng. Tại xã Xuân Châu (Xuân Trường), các hộ nuôi cá chép giòn, cá lăng, cá điêu hồng,…
Nghề nuôi cá lồng đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, hàng năm cung cấp cho thị trường 300 – 400 tấn cá thương phẩm. Qua đó không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần làm phong phú thêm cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng của địa phương hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như sự phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên, đặc biệt là chất lượng nước trong các con sông trong bối cảnh có nhiều nguồn nước thải (nước sinh hoạt, sản xuất…) chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra sông từ nhiều địa phương nơi con sông chảy qua. Nước sông có thể bị ô nhiễm do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân hoặc bị xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nuôi. Bên cạnh đó, vào mùa mưa bão, những thay đổi đột ngột về nhiệt độ, môi trường nước cũng có thể gây hại cho cá, làm giảm chất lượng và sản lượng thu hoạch. Ngoài ra mưa lũ còn gây hại cho lồng bè, cơ sở vật chất khu nuôi.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho nghề nuôi này cần có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, quản lý môi trường và phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường hiệu quả. Ngành chức năng chú trọng làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường thủy sản nhằm kịp thời phát hiện và khuyến cáo tới người sản xuất ở các vùng nuôi, các địa phương những yếu tố môi trường bất lợi, ảnh hưởng đến các đối tượng nuôi.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền đến các hộ nuôi cá lồng thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, đặc biệt là vào mùa mưa bão, quan sát môi trường nước để có biện pháp phòng bệnh cho cá. Hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng chăm sóc, nuôi thả với mật độ vừa phải, tránh sử dụng thức ăn tươi sống, định kỳ phòng bệnh giúp cá sinh trưởng tốt, tranh thủ thu hoạch rải khi cá đủ kích cỡ để hạn chế tối đa rủi ro và tăng vụ nuôi mỗi năm.
Thanh Hiếu