THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Nam Định: Nâng cao hiệu quả trong ương nuôi cá chạch bùn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc sử dụng chế phẩm vi sinh giúp tăng tỷ lệ trứng nở và tỷ lệ sống của cá chạch bùn bột, đồng thời, nâng cao tỷ lệ sống và tăng trưởng ở cá nuôi thương phẩm.

Nhiều khó khăn

Cá chạch bùn là đối tượng được nuôi phổ biến tại Nam Định. Theo thống kê, sản lượng cá chạch thương phẩm của Nam Định đạt khoảng 300 – 500 tấn/năm, đáp ứng 1,5 – 2% nhu cầu tiêu thụ của miền Bắc.

Cá chạch bùn là đối tượng tương đối dễ nuôi, lớn nhanh, chu kỳ nuôi ngắn, mật độ nuôi cao, sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, thịt thơm, ngon, bổ dưỡng, giá bán cao và có thị trường tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi cá chạch bùn tại Nam Định vẫn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân như: Chất lượng đàn cá bố mẹ chưa đảm bảo; ô nhiễm môi trường ao nuôi và biến đổi thời tiết ngày càng phức tạp khiến dịch bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá.

Cá chạch bùn là đối tượng tương đối dễ nuôi, lớn nhanh. Ảnh: ST

Trong những năm gần đây, việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật thích hợp vào nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển. Đặc biệt, khi sử dụng các loại chế phẩm vi sinh trong nuôi trồng thủy sản đã giúp nâng cao sức tăng trưởng, đề kháng của tôm, cá; hạn chế việc sử dụng hóa chất, kháng sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực tế đó, Trung tâm Giống thủy hải sản Nam Định đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật ứng dụng Chế phẩm vi sinh trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chạch bùn (Misgurnus anguillicaudatus Cantor, 1842) tại tỉnh Nam Định”. 

Được biết trong các ao nuôi thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng chế phẩm vi sinh BF C02 pro để xử lý môi trường và men vi sinh BFC probiotic plus trộn vào thức ăn.

Nhân rộng

Qua thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, đề tài đã cho kết quả khả quan. Theo đó, qua 3 đợt cho sinh sản nhân tạo, ở các ao thử nghiệm có sử dụng chế phẩm sinh học tỷ lệ trứng nở và tỷ lệ sống của cá bột cao hơn các ao đối chứng (90 – 91% so với 88%).

Trong 2 đợt thí nghiệm ương cá bột lên cá giống vào năm 2024, nghiệm thức sử dụng chế phẩm vi sinh 3 ngày/lần để xử lý môi trường và trộn men vi sinh vào thức ăn hàng ngày cho tỷ lệ sống cao nhất và ổn định 50% (gấp 2 lần tỷ lệ sống ở ao đối chứng). Các ao nuôi có sử dụng chế phẩm vi sinh 3 ngày/lần xử lý môi trường và trộn men vi sinh cho ăn hàng ngày cho tỷ lệ sống bình quân 2 đợt là 69%, thu lãi 50,8 triệu đồng/ao 2.500 m2, cao hơn đối chứng lần lượt là 45% và 45,16 triệu đồng/ao 2.500 m2.

Kết quả này cho thấy, việc sử dụng chế phẩm vi sinh giúp xử lý ô nhiễm đáy ao. Đồng thời, phát triển thức ăn tự nhiên thông qua hệ vi sinh vật phong phú, ảnh hưởng lớn đến mức độ thành thục của cá bố mẹ và tỷ lệ sống của cá bột sau khi nở. Bên cạnh đó, qua các thí nghiệm cũng cho thấy, tần suất xử lý vi sinh trong môi trường ao nuôi cá chạch bùn cũng ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ sống, kích thước, tăng trưởng ở các giai đoạn nuôi cá bột lên cá giống, nuôi thương phẩm cũng như hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi.

Hiện nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện 3 quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá chạch bùn bột, ương giống cá bột lên cá giống và nuôi thương phẩm; trong tháng 1/2025 đã tổ chức hội thảo để chia sẻ kết quả nghiên cứu cho các hộ dân. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phổ biến rộng rãi kết quả của đề tài, để từ đó người dân có thể nhân rộng cho các khu vực nuôi cá nước ngọt trong toàn tỉnh, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững.

Lê Loan

Bà Trần Thị Nhạn, xã Mỹ Trung (TP Nam Định) cho biết: “Qua tham quan mô hình nuôi cá chạch bùn thương phẩm tại Trung tâm Giống thủy hải sản tỉnh, tôi nhận thấy đây là con nuôi mới, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Mô hình còn được áp dụng công nghệ mới giúp xử lý ô nhiễm môi trường, hạn chế mầm bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Tôi đã nắm bắt thêm được thông tin mới, kỹ thuật ưu việt và sẽ nghiên cứu áp dụng kết quả đề tài vào sản xuất cho hộ gia đình”.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!