Nam Định: Nỗ lực làm giàu từ kinh tế biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Phát huy lợi thế của một tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng, nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định tích cực chuyển đổi sang nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, từng bước đưa kinh tế biển trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương.

Vùng ven biển Nam Định có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển, vùng bãi bồi ngập mặn ven biển có diện tích trên 22.000 ha; có chiều dài bờ biển 72 km và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, mang lại rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. 

Một trong những địa phương đi đầu là huyện Giao Thủy. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với 32 km bờ biển, 81.000 ha bãi bồi ven biển và gần 4.000 ha đất ngập triều. Hiện nay, toàn huyện có hơn 1.000 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản với diện tích trên 5.152 ha, trong đó có gần 100 trang trại và cơ sở sản xuất ngao giống cùng nhiều loại giống thủy sản khác. 

Đầm nuôi thủy sản tại xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ảnh: Trần Khánh

Riêng nuôi tôm công nghệ cao có khoảng 60 cơ sở với tổng diện tích gần 50 ha, tập trung ở các xã Giao Phong, Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, thị trấn Quất Lâm. Trung bình mỗi ha nuôi tôm công nghệ cao cho sản lượng từ 40 – 50 tấn với doanh thu 15 – 20 tỷ đồng/ha/vụ, đem lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao truyền thống. Nhằm khuyến khích nông dân làm giàu từ kinh tế biển, chính quyền còn hỗ trợ người dân nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới…

Tại huyện Nghĩa Hưng, phát huy thế mạnh của địa phương, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hội viên nông dân đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển toàn diện, trong đó có kinh tế biển. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 1.845 ha; sản lượng thuỷ sản đạt 33.540 tấn, trong đó, nuôi trồng 20.000 tấn, khai thác 13.540 tấn.

 Toàn huyện Nghĩa Hưng có 13 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, nhiều sản phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liệu sẵn có của vùng biển như: mắm tôm của cơ sở sản xuất Lại Văn Quang, xã Nghĩa Hải; nước mắm Lạch Giang, xã Phúc Thắng,…

Tận dụng tiềm năng lợi thế mặt nước, nhiều năm qua, nghề nuôi cá lồng trên sông đã được người dân các huyện Mỹ Lộc, Ý Yên, Xuân Trường… đầu tư nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Đến nay, toàn tỉnh Nam Định có gần 200 lồng cá trên sông. Tất cả lồng cá này đã được các cơ quan chức năng cấp giấy phép, hoạt động nuôi thả nằm trong sự quản lý chặt chẽ của Sở NN&PTNT Nam Định nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả. 

Hiện đại hóa phương tiện, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, vươn lên làm giàu tư kinh tế biển…đã và đang là hướng đi phù hợp giúp người dân Nam Định làm giàu từ biển. Đến nay, kinh tế biển, các vùng ven biển của Nam Định đóng góp trên 25% giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; bình quân thu nhập của người dân ven biển bằng mức bình quân chung của cả tỉnh. Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu là địa phương phát triển khá của cả nước.

Nam Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!