Nam Định: Nông dân làm giàu từ cá chạch sụn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mô hình nuôi cá chạch sụn của anh Tô Văn Mạnh, thôn Lữ Đô, xã Phú Hưng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) được nhiều người biết đến với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Nam Định đã thu hút đông đảo hội viên nông dân trong tỉnh tham gia. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa, khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế của địa phương. Điển hình như anh Tô Văn Mạnh đã thử nghiệm và xây dựng thành công mô hình nuôi cá chạch thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. 

Sinh ra và lớn lên tại vùng chiêm trũng, trải qua nhiều nghề mưu sinh, anh luôn trăn trở làm thế nào để khai thác tiềm năng đất đai quê hương, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Vì vậy, khi xã có chủ trương “dồn điền đổi thửa”, anh đã nhận dồn ruộng về khu trũng, trồng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi mục đích sử dụng và đấu thầu thêm 5 mẫu đất 5% của xã để phát triển sản xuất. Được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tín chấp từ Ngân hàng NN&PTNT cho vay 300 triệu đồng, anh đầu tư đào ao thả cá, nuôi heo, trồng cây rau màu.

Cá chạch sụn có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: H.A

Với nghị lực và nhiệt huyết của một thanh niên, anh Mạnh quyết tâm tìm kiếm mô hình nuôi thủy sản đặc sản để khai phá hết tiềm năng đất đai quê hương. Vượt hơn các con nuôi thủy sản truyền thống cũ như trắm, chép, trôi, mè,… Đúng vào thời điểm đó, anh Mạnh được biết đến mô hình nuôi cá chạch sụn qua thông tin trên ti vi. Loại cá này có thịt thơm ngon, xương mềm và thị trường tiêu thụ nội địa rất mạnh nên anh đã bàn bạc với gia đình đầu tư con nuôi mới này. Nghĩ là làm, anh tìm đến thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) là địa phương có nhiều hộ nuôi cá chạch sụn thành công theo phương pháp nuôi công nghiệp trong ao để học hỏi kinh nghiệm.

Năm 2018, anh mạnh dạn nuôi thử nghiệm cá chạch sụn trên diện tích 1.500 m2. Tuy nhiên, ngay lứa nuôi đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm thực tế, chưa nắm bắt hết được tập tính của con nuôi mới nên con giống bị thất thoát và năng suất không cao. Những lứa tiếp theo, cá chết dần, có lần chỉ trong 1 đêm đã chết nổi trắng ao. Suốt 2 năm ròng, toàn bộ vốn liếng ban đầu của gia đình hơn 1 tỷ đồng đã “trôi sạch” theo cá chạch sụn.

Mặc dù vậy, anh Mạnh không nản lòng và quyết định đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tìm hiểu kỹ thuật và quy trình nuôi cá chạch sụn, thuê chuyên gia về trực tiếp “cầm tay, chỉ việc” để nuôi thành công đối tượng này. Đặc biệt hơn, anh cũng đã thành công trong việc tìm hiểu và áp dụng phương thức thụ tinh nhân tạo cho cá chạch đẻ trứng, giúp chủ động được con giống, giảm thiểu chi phí.

Cùng đó, qua quá trình nuôi, anh đã tìm tòi và chế tạo ra chiếc máng ăn tự động. Mỗi ao đều đặt từ 2 – 3 máng ăn tự động. Cá chạch luôn có thức ăn khi đói và người nuôi có thể chủ động kiểm soát lượng thức ăn dư thừa trong ao. Với giá bán dao động 60.000 – 70.000 nghìn/kg cho các đầu mối thu mua khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước thì giá trị kinh tế từ nuôi cá chạch sụn có thể cao hơn 3 lần so với nuôi thả các loại cá truyền thống.

Hiện, anh Mạnh sở hữu trang trại nuôi cá chạch sụn rộng gần 3 ha, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Từ mô hình nuôi cá chạch của anh Mạnh, Hội Nông dân xã Phú Hưng đã đứng lên thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ và thương mại Bình Dương để tập hợp những hộ dân cùng tham gia mô hình VAC sản xuất cá chạch sụn, nuôi heo, trồng rau. Đến nay, HTX đã có 15 thành viên, tập trung nuôi và sản xuất giống cá chạch sụn trên diện tích hơn 10,8 ha ao, hồ và đã thành công trong việc thụ tinh nhân tạo cho cá chạch đẻ trứng. 

Giá trị kinh tế khá cao, được thị trường ưa chuộng, cá chạch sụn không còn là đối tượng nuôi quá mới trong ngành nuôi trồng thủy sản ở Nam Định. Mô hình nuôi cá chạch theo phương pháp công nghiệp là một lựa chọn hiệu quả để nhiều người dân trên địa bàn nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!