Nam Định: Tăng cường quản lý môi trường và dịch bệnh vùng nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi tôm bền vững theo tiêu chuẩn quy phạm thực hành nuôi tốt (VietGAP), an toàn dịch bệnh (CoC), đồng thời, các hộ nuôi luôn đề cao trách nhiệm cộng đồng bảo vệ vùng nuôi nên vùng nuôi tôm Giao Phong (Giao Thuỷ) an toàn dịch bệnh, năng suất cao với sản lượng tôm thu hoạch vụ 2 đạt hơn 1.000 tấn, năng suất trung bình 10 tấn/ha, nhiều hộ đạt 14 – 15 tấn/ha như hộ các ông Cao Văn Ba, Nguyễn Văn Đan, Trần Văn Thủy…

Cùng với việc áp dụng kỹ thuật nuôi, phương pháp xử lý nguồn nước để nuôi thuỷ sản của anh Ngô Văn Say, thôn Bàn Kết, xã Tân Khánh (Vụ Bản) đã giúp anh nuôi thuỷ sản thành công. Với diện tích gần 10.000m2 đấu thầu của xã, anh Say quy hoạch hệ thống ao gồm ao xử lý nước và ao nuôi thả cá trắm đen, xây hệ thống chuồng nuôi lợn, gà, vịt đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Anh Say cho biết: Nguồn nước ở vùng nuôi thủy sản thường chứa nhiều loại độc tố vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, trước khi lấy nước vào ao nuôi, anh đã xử lý nguồn nước. Đặc biệt, cá trắm đen cần nhiều lượng ôxy hơn một số giống cá khác nên hằng tuần, anh bơm nước từ sông vào ao xử lý, chờ nước lắng, ổn định, anh sử dụng chế phẩm sinh học, vôi bột để khử trùng. Sau đó, dẫn nước sang ao nuôi và duy trì mực nước sâu khoảng 2m để tăng lượng ôxy trong ao. Do làm tốt khâu xử lý nước và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đàn cá của gia đình anh ít bị bệnh, lớn nhanh, mỗi năm xuất bán 3 – 4 tấn cá, thu lãi gần 200 triệu đồng.

Nông dân xã Hải Chính (Hải Hậu) cải tạo đầm nuôi tôm. 

Nông dân xã Hải Chính (Hải Hậu) cải tạo đầm nuôi tôm.

Năm 2012, công tác phòng trừ dịch bệnh và quản lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, Sở NN và PTNT đã tiến hành xét nghiệm 192 mẫu tôm nuôi, trong đó có 5 mẫu tôm bố mẹ, 27 mẫu tôm giống, 160 mẫu tôm thương phẩm. Kết quả được thông báo cho các chủ cơ sở sản xuất để kịp thời xử lý, do đó đã giảm thiểu bệnh dịch trong nuôi tôm sú, tôm chân trắng. Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện, chính quyền các xã có vùng nuôi hướng dẫn người nuôi về khung thời vụ, làm tốt công tác thú y thủy sản nên đã ngăn chặn được dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành NN và PTNT tăng cường quản lý thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học, phòng chống dịch bệnh trong nuôi tôm, ngao. Tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình cải tạo ao, đầm, diện tích nuôi, lượng giống thả, đôn đốc các địa phương hướng dẫn người nuôi thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi, nhất là quy trình chuẩn bị ao, đầm. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản làm tốt công tác giám sát chất lượng trong nuôi tôm chân trắng. Chi cục Thú y làm tốt công tác lấy mẫu, cảnh báo sớm dịch bệnh và môi trường. Những năm qua, các hộ nuôi trồng thủy sản trong cùng khu vực thành lập các CLB, hội nhằm nâng cao tính cộng đồng, cùng chung tay góp sức trong nuôi trồng thủy sản, như: CLB Nhuyễn thể ở Giao Xuân (Giao Thủy), CLB Nuôi trồng thủy sản ở Hải Châu (Hải Hậu), HTX Nuôi trồng thủy sản Giao Phong (Giao Thủy), Hội Chăn nuôi xã Phương Định (Trực Ninh)…

Để môi trường trong hệ thống nuôi ổn định, phù hợp với yêu cầu về sinh thái, sinh lý của vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, các cấp, các ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương tiếp tục quy hoạch tổng thể cho vùng nuôi trồng thủy sản, trên cơ sở các điều tra cơ bản về chất đất, chất nước của từng vùng để có những quy định về đối tượng nuôi, hình thức nuôi cho từng vùng. Phải có các văn bản pháp lý và các hướng dẫn cụ thể để định hướng cho người nuôi trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng trang trại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thuỷ sản bền vững. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi phương pháp xử lý nước thải, tẩy rửa ao, đầm trước và sau mỗi vụ nuôi nhằm tiêu diệt hết yếu tố gây bệnh, vừa tạo ra môi trường thích hợp và ổn định vùng nuôi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát thức ăn, thuốc kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản. Các hộ tham gia nuôi trồng thủy sản cần nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn nước, làm việc theo nhóm, hội, cùng nhau cải tạo ao, lấy và thải nước hợp lý, bảo vệ môi trường nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật như con giống sạch bệnh, xử lý nước, thức ăn, phòng bệnh cho con nuôi.

Ngọc Ánh

Báo Nam Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!