Nam Định: Tập trung chăm sóc và phòng bệnh cho thủy sản trong mùa nóng

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo kế hoạch, năm 2014 toàn tỉnh Nam Định phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.567ha các loại; trong đó nuôi nước ngọt 9.408ha tập trung vào các loại cá truyền thống và 6.159ha nuôi mặn lợ chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp… Đến đầu tháng 5/2014, các hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh cơ bản hoàn thành việc xuống giống.

Để đảm bảo đạt năng suất và giá trị kinh tế cao, ngành NN&PTNT cùng các hộ nuôi thủy sản chủ động chuẩn bị các biện pháp ứng phó với dịch bệnh thủy sản, nhất là vào mùa nắng nóng.

Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết luôn diễn biến phức tạp. Từ tháng 5 đến tháng 8, ngày nắng nóng, đêm mưa rào, chênh lệch lớn về nhiệt độ môi trường ao nuôi, khiến các con nuôi thủy sản dễ bị sốc nhiệt hoặc nhiễm các loại khí độc như H2S, NH3… làm cho sức đề kháng của các loại giống thủy sản giảm và là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng xâm nhập. Vật nuôi dễ mắc các bệnh do ký sinh trùng như: trùng bánh xe, trùng mỏ neo, nấm thủy mi, hoặc các bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột… do vi khuẩn, virus gây ra. Vì vậy, để phòng tránh và xử lý dịch bệnh, người nuôi cần quản lý tốt 3 yếu tố: mầm bệnh, môi trường và vật chủ. Ông Nguyễn Văn Đông, xóm 18, xã Nghĩa An (Nam Trực) có kinh nghiệm 10 năm nuôi các loại cá truyền thống như: trắm, trôi, chép, mè… cho biết, ông luôn quan tâm tới việc phòng, chống dịch bệnh cho cá. Đầu vụ, ông vệ sinh ao rất kỹ bằng cách thả vôi bột xuống đáy ao. Hằng tháng, rắc vôi bột 2 – 3 lần và sử dụng thêm chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nuôi. Mỗi ngày, ông đều đo độ pH trong ao để theo dõi diễn biến môi trường nước. Theo ông Đông, những ngày thời tiết biến động, người nuôi cần cho cá ăn vừa phải, không để cá ăn quá no, dễ gây hại đường ruột. Chịu khó bỏ công chăm sóc tốt, không chờ đến lúc có bệnh mới chữa cho cá nên 3 ao cá của ông ít khi bị dịch bệnh, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Rắc vôi bột khử trùng nhằm khống chế dịch bệnh tại vùng nuôi tôm tập trung ở Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy). 

Rắc vôi bột khử trùng nhằm khống chế dịch bệnh tại vùng nuôi tôm tập trung ở Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy).

Tuy nhiên trong thực tế vẫn có một số người nuôi thủy sản chưa quan tâm đến khâu chăm sóc để tăng sức đề kháng cho con nuôi. Thời gian qua, Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố đã tăng cường phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, giám sát và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi thủy sản, yêu cầu tuân thủ chặt chẽ quy trình nuôi; phổ biến các quy định của Nhà nước và hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn đối với từng đối tượng nuôi thủy sản. Chủ ao, đầm cần quản lý tốt môi trường; thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao, vùng nuôi, tình trạng sức khỏe của các đối tượng nuôi; nước cấp vào ao nuôi phải được xử lý. Sở NN&PTNT cũng khuyến cáo các hộ nuôi nên bổ sung thêm các loại men tiêu hóa, vitamin C. Xác định chính xác khẩu phần thức ăn để tăng sức đề kháng cho đối tượng nuôi thủy sản trong mùa nắng nóng. Cho ăn nhiều bữa trong ngày để giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi, tránh ô nhiễm môi trường nước, hạn chế các bệnh phát triển. Tùy theo điều kiện nguồn nước cấp, các hộ cần tính toán cụ thể mật độ thả cá vừa phải, bảo đảm cơ cấu giống cá hợp lý và thường xuyên quan sát ao nuôi để kịp thời xử lý, không để bệnh lây lan. Đồng thời gia cố để chống xói lở bờ ao và ngăn nước mưa kéo theo các chất thải hữu cơ có thể vào ao nuôi. Hiện nay, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh đang phát triển mạnh. 

Năm 2014, toàn tỉnh có trên 582,3ha ao, đầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, tại một số vùng nuôi tôm tập trung trong tỉnh như: Giao Phong, Quất Lâm (Giao Thủy)… đang xảy ra hiện tượng tôm chết rải rác. Chi cục Thú y, Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) đã thành lập các tổ công tác bám sát vùng nuôi, nắm chắc tình hình dịch bệnh và thiệt hại do dịch bệnh để báo cáo Sở NN&PTNT có hướng xử lý phù hợp; đồng thời tiếp tục tổ chức thu mẫu cảnh báo sớm môi trường và dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh do virus gây nên như: bệnh đốm trắng, đầu vàng, hội chứng Taura, hoại tử gan tụy, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu ở tôm, hoại tử cơ… Qua kiểm tra các mẫu thu thập được, có 3 mẫu tôm bị chết ở Giao Phong cho kết quả dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp. Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai tốt các biện pháp phòng, chống bằng cách sử dụng hóa chất, vôi bột khử trùng ao đầm; không để mầm bệnh phát tán ra môi trường xung quanh gây dịch, nên bệnh đã được khống chế. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi xử lý khử trùng môi trường ao, đầm, chăm sóc các đối tượng còn sống sau xử lý. Anh Vũ Văn Tư, ở tổ dân phố Cồn Tàu Nam, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) cho biết: Vụ tôm năm nay, gia đình anh thả 45 vạn con ở 4 ao nuôi với tổng diện tích 4.000 m2. Đợt nắng nóng và mưa rào đầu tháng 5, tại 1 ao nuôi nhà anh có hiện tượng tôm sốc chết. Sau khi dọn vệ sinh và xử lý ao tôm bị bệnh, hằng tuần anh tiến hành rắc vôi bột khử trùng đường đi lối lại và tạt nước vôi khắp ao vào ban đêm. Đến nay, diện tích tôm còn lại của anh an toàn dịch bệnh, hiện đạt 60 con/kg và đang chờ xuất bán. Đối với trường hợp ao nuôi có tôm chết, test phản ứng dương tính với các loại vi-rút gây bệnh, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương phải giám sát chặt chẽ việc xả thải ra môi trường, nghiêm cấm việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh. Nước thải trước khi xả ra môi trường phải được xử lý bằng Chlorine từ 7 – 10 ngày. Tôm chết phải được thu gom, xử lý hóa chất ngay trước khi tiêu hủy, tránh để bệnh lây lan. Ao, đầm phải cải tạo tốt trước khi thả giống lại, tát cạn, phơi ao, đầm tối thiểu 1 tháng. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả chương trình giám sát chất lượng trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, Trung tâm Giống hải sản chủ động tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, quản lý và phòng trừ dịch bệnh cho tôm thẻ chân trắng cho nông dân, nâng cao nhận thức của nông dân về kỹ thuật và tính cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng. Đồng thời tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng VietGAP trong nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Hiện để đối phó với thời tiết nóng, nhiệt độ cao, các hộ nuôi tôm đang tăng cường sử dụng quạt đảo nước tạo ôxy cho ao, làm tăng trao đổi chất, đảm bảo ôxy cho tôm tránh hiện tượng ngạt khí…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương, sự chủ động, tích cực của các hộ nuôi, dịch bệnh trên các con nuôi thủy sản đã được kiểm soát và khống chế kịp thời, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014.

Ngọc Ánh

Báo Nam Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!