(TSVN) – Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ Cơn bão số 3 (bão YAGI) nhưng nước lũ tràn qua đê bối đã khiến nhiều ao nuôi thủy sản ngập trắng. Hiện, ngành nông nghiệp địa phương đang tập trung khôi phục lại sản xuất, sớm ổn định tình hình, đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian sớm nhất.
Do nằm ở hạ lưu của nhiều con sông lớn, những ngày qua, khi nước lũ thượng nguồn đổ về đã khiến một số vị trí đê xung yếu của Nam Định gặp sự cố, làm hư hại nghiêm trọng hệ thống đê bối của tỉnh. Đê bối là tuyến đê nằm sau tuyến đê chính, gần với bờ sông có tác dụng bảo vệ nhiều khu dân cư và đất canh tác nông nghiệp. Do đó, khi nước lũ tràn qua đê bối đã làm nhiều ao nuôi thủy sản bị ngập trắng, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 699,5 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng (trong đó có 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh, còn lại là diện tích nuôi cá truyền thống, diện tích nuôi cá – lúa, nuôi ngao và lồng, bè nuôi thủy hải sản), tổng thiệt hại ước tính gần 32 tỷ 298 triệu đồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hải Điền (thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu) Nguyễn Văn Bình cho biết, trước khi bão vào, hợp tác xã có 12,5 ha nuôi trồng, gồm 4 tấn cá hồng Mỹ, 2 tấn tôm, 6 tấn ốc hương. Riêng cá thịt, giá thị trường hiện tại khoảng 100.000 đồng/kg. Bão vào kèm mưa lớn, khiến nước trong ao đầm bị tràn, thiết bị phục vụ sản xuất bị hư hỏng, thiệt hại rất lớn.
Trước tình hình trên, tỉnh Nam Định yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả do bão số 3, mưa lũ gây ra. Trong đó tích cực tiêu úng, thoát nước tại các khu vực bị ngập, úng; hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại, nhanh chóng ổn định sản xuất.
Các địa phương tổ chức tổ chức thu gom, xử lý rác thải, chất thải, thủy sản chết theo quy định. Đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước các loại vật tư nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu các loại vật tư nông nghiệp.
Hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc vật nuôi sau bão. Các cơ sở nuôi cần tu sửa, khôi phục hệ thống lồng, bè (lưu ý sử dụng vật liệu mới, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt trên biển), ao đầm nuôi trồng thủy sản, công trình phụ trợ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật; chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng thả giống khi điều kiện môi trường cho phép.
Nếu loài nuôi thuỷ sản đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch sớm để giảm thiệt hại.
Treo các túi vôi (15 – 20 kg/túi) quanh các góc của lồng nuôi để vừa giúp ổn định các góc của lồng lưới, vừa giúp ổn định môi trường nước, phòng một số bệnh thường gặp trên thủy sản nuôi lồng bè.
Đặc biệt, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và hướng dẫn các biện pháp phòng, trị bệnh trên động vật thủy sản.
Thái Thuận