Nam Định: Thủy sản đạt nhiều kết quả tích cực

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, Nam Định rất quan tâm thực hiện các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản và đẩy mạnh hoạt động chống khai thác IUU. Nhờ vậy, lĩnh vực thủy sản đạt nhiều kết quả tích cực.

Sản xuất thủy sản ổn định

Theo Cục Thống kê Nam Định, sản xuất thủy sản tháng 4/2024 của tỉnh phát triển ổn định; sản lượng thủy sản ước đạt 17.382 tấn, tăng 3,0% so với tháng trước. Bốn tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước đạt 59.978 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nuôi trồng thủy sản đạt 40.679 tấn, tăng 3,7%. Các hộ nuôi trồng thủy sản tích cực chăm sóc và thu hoạch các đối tượng đạt kích cỡ thương phẩm và xuống giống nuôi thả vụ xuân hè, chủ yếu là tôm và các loại cá nuôi nước ngọt theo lịch thời vụ.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 15.000 ha nuôi trồng thủy sản với khoảng 5.500 ha nuôi bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh (trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 3.500 ha, nuôi nước mặn – lợ 2.000 ha) với 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt gần 134.000 tấn, tăng khoảng 4% so năm 2022.

Bên cạnh các sản phẩm tôm, cá, Nam Định cũng phát triển mạnh nghề nuôi ngao. Hiện nay, tổng diện tích nuôi ngao trên toàn tỉnh là hơn 2.350 ha, sản lượng ngao trung bình những năm gần đây đạt khoảng 40.000 tấn/năm, với thương hiệu ngao sạch Giao Thủy đã được khẳng định trên thị trường. Người dân đã làm chủ được hoàn toàn công nghệ sản xuất giống, chủ động được nguồn giống tại địa phương, các vùng nuôi ngao thương phẩm trong tỉnh phát triển ổn định.

Hằng năm, Sở NN&PTNT Nam Định đều tổ chức phát động “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, với hoạt động thả một triệu con cá giống xuống sông Hồng. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng giúp cân bằng sinh thái tự nhiên, đồng thời cũng là một hình thức tuyên truyền để cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Áp dụng công nghệ cao trong nuôi tôm ở Nam Định. Ảnh: ST

Hoạt động khai thác đi vào nề nếp

Khai thác thủy sản  tháng 4/2024 của Nam Định đạt 19.299 tấn, tăng 1,7%, trong đó, sản lượng khai thác biển 18.652 tấn, tăng 1,8%; sản lượng khai thác nội địa 647 tấn, giảm 2,0%. Ngư trường bắt đầu bước vào vụ khai thác cá Nam, bà con ngư dân tích cực mở rộng ngư trường, cải tiến ngư lưới cụ để nâng cao hiệu quả và năng suất khai thác.

Thực hiện Quyết định số 389/QĐ-UBND ngày 22/02/2024 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 512/KH-ĐKT ngày 23/02/2024 kiểm tra việc thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Nam Định, thời gian qua, Sở NN&PTNT Nam Định đã cấp Giấy phép khai thác thủy sản đạt 96,89% tổng số tàu cá thuộc diện phải cấp phép. Đến ngày 15/3, số tàu cá từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là đạt 97,38%; trong đó, có 1 tàu chưa hiển thị trên hệ thống giám sát tàu cá, còn lại 14 tàu chưa lắp thiết bị đặt thiết bị giám sát hành trình do tàu ngừng hoạt động nằm bờ, tàu chưa hoạt động, tàu mất tích.

Với chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định chống khai thác IUU. Từ đầu năm 2024 đến ngày 15/3, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Nam Định đã kiểm tra trên 450 lượt tàu cá khi cập cảng, rời cảng; giám sát tại cảng cá Ninh Cơ và cảng cá Thành Vui 113 lượt tàu với sản lượng khai thác trên 163 tấn; thu trên 340 nhật ký và báo cáo khai thác thủy sản tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 15/3, các ngành chức năng tỉnh Nam Định đã xử phạt vi phạm hành chính 20 vụ, với số tiền trên 230 triệu đồng; trong đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 6 vụ với số tiền trên 100 triệu đồng; UBND huyện Hải Hậu xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ với trên 67 triệu đồng; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xử phạt vi phạm hành chính 12 vụ với số tiền trên 62 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là, tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản trái phép; thuyền trưởng không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định; không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển…

Hiện, các huyện đã tập trung thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đến nay, công tác quản lý tàu cá và quản lý hoạt động khai thác hải sản đã đi vào nề nếp. Các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản, đặc biệt là quy định phòng, chống khai thác IUU được tuyên truyền đến ngư dân bằng nhiều hình thức; các chủ tàu cá xa bờ nắm rõ các quy định về chống khai thác IUU và chấp hành quy định về vùng khai thác, lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu, quy định rời, cập cảng và xuất nhập bến, chấp hành sự kiểm tra và kiểm soát của các Trạm Kiểm soát Biên phòng ven biển. Các chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn huyện Hải Hậu đã ghi, nộp nhật ký khai thác cho tổ chức quản lý cảng cá và giám sát sản lượng theo quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh đó một số tàu cá, chủ tàu không đi hoạt động khai thác thủy sản nên việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa đạt 100%; vẫn còn một số tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 06 tháng, nhiều tàu cá để mất tín hiệu giám sát hành trình khi đang hoạt động trên biển trên 6h, trên 10 ngày chưa được xử lý kịp thời; một số chủ tàu bán tàu cho người khác nhưng không làm thủ tục sang tên đăng ký hoặc xóa đăng ký nên khó khăn trong công tác rà soát, xác minh tàu…; Công tác xử lý vi phạm hành chính khai thác IUU  nhất là đối với tàu cá không duy trì thiết bị Giám sát hành trình tại các huyện ven biển còn ít. Tình trạng một số tàu cá hết hạn đăng kiểm và chưa có giấy phép khai thác thủy sản còn nhiều; tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m khai thác vùng ven bờ chưa nộp báo cáo khai thác cho tổ chức quản lý cảng theo quy định. Các bến cá tự phát trên địa bàn các huyện chưa hợp tác tốt với tổ chức quản lý cảng để thực hiện việc thu nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác giám sát sản lượng khai thác.

Anh Vũ

Ngành nông nghiệp Nam Định tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ tạo điều kiện cho các cơ sở giống nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tiếp nhận công nghệ mới để sản xuất giống đáp ứng nhu cầu nuôi thả. Tập trung phát triển sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực như ngao, hầu, tôm nước lợ và các loại có giá trị kinh tế cao trong nuôi nước ngọt như cá trắm đen, cá lăng… Đến cuối tháng 4/2024, sản xuất giống ước đạt 791 triệu giống các loại, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!