T2, 06/07/2020 12:50

Nâng cao chất lượng môi trường nước

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay chất lượng nguồn nước cung cấp cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng so với những năm trước đây, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng nuôi.

Môi trường nước ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng nuôi

Môi trường nước ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng nuôi

Nguyên nhân gây ô nhiễm nước trong hoạt động thủy sản được phân thành hai loại, cụ thể:

Ô nhiễm nước trong hệ thống nuôi trồng thủy sản: Do thức ăn thừa, chất thải của thủy sản nuôi và các hóa chất sử dụng trong quá trình nuôi hòa tan vào nước trong ao nuôi và phần lớn tích tụ ở đáy ao nuôi tạo thành một lớp bùn ô nhiễm. Thành phần lớp bùn: protein, lipid, axit béo, photpholipid, các hoocmon, carbohydrate, chất khoáng và vitamin, vỏ tôm lột xác… Lớp bùn này luôn ngập nước, yếm khí nên tạo điều kiện cho các vi sinh vật yếm khí phát triển mạnh, phân hủy các hợp chất trên thành các khí độc H2S, NH3, CH4… hòa tan vào trong nước và rất có hại cho thủy sinh vật. Khi H2S đạt nồng độ 1,3 ppm có thể sẽ gây sốc, tê liệt và dẫn đến tôm chết. NH3 sinh ra từ quá trình phân hủy yếm khí thức ăn tồn dư gây độc cho tôm, cá nuôi, khi chuyển hóa ở dạng NO2- sẽ rất độc và gây chết cho tôm, cá ở từ nồng độ 0,5 ppm trở lên.

Ô nhiễm nước bên ngoài hệ thống nuôi trồng thủy sản: Nguồn nước bên ngoài hệ thống nuôi thủy sản bị ô nhiễm do nguồn nước thải nuôi thủy sản mang theo lượng thức ăn thừa, chất thải của thủy sản nuôi, các loại hóa chất, thuốc thú y thủy sản trong quá trình nuôi thải ra môi trường xung quanh. Và chính nguồn nước ô nhiễm bên ngoài ao nuôi này sẽ là nguồn nước cấp trở lại cho các hệ thống nuôi thủy sản.

Ngoài ra, nguồn nước cung cấp cho các hệ thống nuôi thủy sản còn bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp… Có thể nói, chất lượng nước đầu vào cho các hệ thống nuôi thủy sản hiện nay rất kém.  

Tất cả các cơ sở sản xuất tôm giống, cá giống cần có hệ thống bể lắng để loại bỏ các chất hữu cơ lơ lửng kích thước lớn, sau đó, qua hệ thống lọc tinh để loại bỏ các chất hữu cơ lơ lửng kích thước nhỏ, tiếp đến sẽ xử lý bằng ôzôn, tia cực tím và tuần hoàn với sản phẩm EDTA để nguồn cấp đạt tiêu chuẩn chất lượng trước khi cấp cho các trại sản xuất.

Sử dụng công nghệ vi sinh vật để phân hủy các chất hữu cơ hòa tan trong nước và các chất hữu cơ lắng tụ ở đáy ao nhờ các vi khuẩn dị dưỡng. Ôxy hóa NH3 thành NO2- và nhanh chóng chuyển sang NO3- nhờ các vi khuẩn tự dưỡng. Hình thành hệ vi sinh vật có lợi và cạnh tranh với hệ vi sinh vật gây bệnh trong ao nuôi. Cải thiện chất lượng nước và cải thiện đáy ao nuôi.

Bên cạnh đó, người nuôi cần áp dụng một số công nghệ trong xử lý nước và trong quá trình nuôi. Công nghệ lọc sinh học để loại bỏ chất rắn dạng lơ lửng và các khí độc hòa tan trong nước như: Lọc chảy nhỏ giọt (trickling filter), lọc quay (rotating biological contactor), lọc hạt (bead filter), lọc giá thể chuyển động (moving bed biofilm reactor), lọc giá thể chìm (submerged filter), lọc dòng đáy (fluidized bed filter). Áp dụng công nghệ Biofloc nhằm loại bỏ các chất dinh dưỡng dư thừa để nâng cao chất lượng nước thông qua chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng đồng thời sử dụng biofloc làm thức ăn cho các đối tượng thủy sản.

Ngoài ra, cần chủ động thay đổi phương pháp nuôi, nuôi kết hợp với một số đối tượng thủy sản có khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng dư thừa, các loại hóa chất và khí độc hòa tan trong nước của ao nuôi. Nuôi kết hợp với một số động vật thân mềm hai mảnh vỏ như hàu, vẹm sẽ làm giảm đáng kể hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS), mùn bã hữu cơ, tổng Nitơ (TN), tổng lân (TP), chất diệp lục (Chlorophyll-a), vi khuẩn tổng số trong nước thải từ các ao nuôi tôm, cá thâm canh… Hay nuôi kết hợp với một số loài rong biển có giá trị kinh tế có khả năng làm giảm hàm lượng các chất hữu cơ và khí độc hòa tan trong nước. Nuôi kết hợp với hải sâm hoặc với  một số loài cá ăn thực vật và mùn bã hữu cơ như cá măng, cá đối, cá rô phi sẽ có tác dụng tích cực trong việc trong việc hạn chế lượng chất thải hữu cơ tích tụ trong ao nuôi.

TS Nguyễn Tấn Sỹ - Viện Nuôi trồng thủy sản - Đại học Nha Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!