Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Nông nghiệp: Chuyển động từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cùng Tạp chí Thủy sản Việt Nam trò chuyện cùng ThS. Nguyễn Trọng Tuynh – Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ công chúng và Hỗ trợ sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quan về Ngày hội Việc làm và Kết nối Doanh nghiệp năm 2024, xu hướng tuyển dụng và đào tạo trong ngành Nông – Lâm – Thủy sản, cũng như lời khuyên bổ ích cho thí sinh THPT Quốc gia quan tâm đến các ngành học này.

PV: Ngày hội Việc làm và Kết nối Doanh nghiệp năm 2024 là sự kiện được tổ chức thường niên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thầy có thể chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của chương trình này?

ThS. Nguyễn Trọng Tuynh: Đây là một trong các hoạt động quan trọng của mảng kết nối doanh nghiệp mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện trong nhiều năm qua. Chúng tôi coi, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng là thành tố quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Ở đó, doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò hấp phụ sản phẩm đào tạo, mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo như: đóng góp xây dựng chuẩn đầu ra, nội dung, cấu trúc chương trình đào tạo, là nơi thực hành, thực tập, nghiên cứu của sinh viên…

Trong nhiều năm qua, Ngày hội Việc làm là hoạt động thường niên được Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Sự kiện này như chiếc cầu nối giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành đào tạo tại các doanh nghiệp uy tín. Đồng thời qua đây, chúng tôi cũng có thêm cơ hội nhận được các tin phản hồi từ phía sinh viên và doanh nghiệp từ đó làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội.

PV: Dự kiến chương trình Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp năm 2024 sẽ được tổ chức vào thời gian nào? Quy mô chương trình dự kiến như thế nào, thưa thầy?

ThS. Nguyễn Trọng Tuynh: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao; đồng thời giúp sinh viên chủ động kết nối với các nhà tuyển dụng tiềm năng, tìm hiểu và nắm bắt thị trường lao động để định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Ngày hội Việc làm và Kết nối Doanh nghiệp năm 2024. Ngày hội dự kiến diễn ra từ 7h30 đến 17h30 ngày 14/6/2023 tại giảng đường Nguyễn Đăng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Sự kiện có sự tham gia của khoảng 70 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Tham dự sự kiện có hơn 600 sinh viên tốt nghiệp đợt tháng 6 năm 2024 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra còn sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và hơn 5.000 sinh viên các khoá, sinh viên đang thực tập tốt nghiệp.

Lễ Khai mạc Ngày hội Việc làm 2022. Ảnh minh họa

PV: Thầy đánh giá như thế nào về hiệu quả của chương trình này đối với việc tạo nguồn nhân lực tốt hơn cho ngành nông lâm thủy sản?

ThS. Nguyễn Trọng Tuynh: Thông thường ngày hội việc làm hàng năm sẽ mang đến khoảng 3.000 – 4.000 vị trí làm toàn thời gian và bán thời gian. Hàng trăm cơ hội thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp. Ngày hội việc làm giúp sinh viên định hướng tốt hơn về tương lai nghề nghiệp, thậm chí doanh nghiệp mà mình theo đuổi; biết mình cần phải chuẩn bị sẵn sàng cái gì về kiến thức, kỹ năng trước khi tham gia vào thị trường lao động. Điều này rất bổ ích đối với các em.

PV: Xu hướng tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông lâm thủy sản thời gian qua nói chung và của Học viện như thế nào, thưa thầy?

ThS. Nguyễn Trọng Tuynh: Trong thời gian qua Học viện Nông nghiệp việt Nam và các cơ sở đạo tạo trong lĩnh vực Nông nghiệp được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành đã rất nỗ lực cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo và đã đào tạo cho đất nước nhiều Tiến sỹ, Thạc sỹ, kỹ sư, Bác sỹ Thú y, nhiều cán bộ tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, trường nghề đã cung cấp nguồn nhân lực giúp cho các doanh nghiệp, địa phương phát triển kinh tế Nông nghiệp và có đóng góp lớn cho nền nông nghiệp, nông thôn của nước nhà.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, cạnh tranh thương mại gay gắt hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, cạnh tranh về khoa học công nghệ giữa các quốc gia lớn hơn nhiều, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, xung đột địa chính trị diễn ra khó lường và khắc nghiệt hơn, nguồn nhân lực đòi hỏi phải có trình độ cao hơn, chất lượng cao hơn, thích ứng tốt hơn mới có thể đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn.

Nghị quyết số 37 năm 2023 của BCS Đảng Bộ NN&PTNT đã chỉ rõ, tỷ lệ qua đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp đến hết năm 2020 đạt 24,6%, nhưng tỷ lệ lao động được cấp bằng, chứng chỉ khá thấp, chỉ khoảng 4,6%. Lĩnh vực Nông – Lâm – Thuỷ sản vẫn thiếu hụt rất nhiều lao động, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong nhiều năm qua, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhiều ngành không đủ sinh viên cho các doanh nghiệp tuyển dụng như các ngành nuôi trồng thuỷ sản, bệnh thuỷ sản, chăn nuôi – thú y, thú y, bảo vệ thực vật, nông nghiệp công nghệ cao… Bên cạnh đó, các ngành khối kinh tế xã hội, khối công nghệ, kỹ thuật cũng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, tuyển dụng.

Cũng sắp đến thời điểm các bạn học sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia, đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu chặng đường đến với cánh cửa Trường Đại học. Thầy có thể cho biết xu hướng tuyển sinh vào các trường đại học khối nông lâm thủy sản trong những năm gần đây như thế nào?

ThS. Nguyễn Trọng Tuynh: Thực tế trong thời gian qua cho thấy số lượng các em học sinh chọn vào các ngành nghề, các cơ sở đào tạo không giống nhau. Có những cơ sở đào tạo thì rất đông học sinh quan tâm và lựa chọn, nhưng có những cơ sở đào tạo thì chỉ có ít các em quan tâm. Có những ngành đào tạo thì rất đông học sinh quan tâm đăng ký, nhưng ngược lại có những ngành thì ít các em quan tâm lựa chọn. Số lượng học sinh quan tâm vào các ngành này cũng thay đổi theo các giai đoạn thời gian khác nhau. Số lượng sinh viên khá giỏi đăng ký vào các ngành, các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp cũng khác nhau. Thường những ngành nông nghiệp truyền thống, ngành kỹ thuật thì số lượng các em lựa chọn ít hơn so với các ngành kinh tế, khoa học xã hội, du lịch…

Tuy nhiên như tôi đã trao đổi, nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực Nông – Lâm – Thuỷ sản là rất lớn. Đặc biệt hiện nay, việc chuyển từ nông nghiệp “truyền thống” sang nông nghiệp hiện đại đang diễn ra rất nhanh. Ở đó việc áp dụng khoa học công nghệ, máy móc, kỹ thuật mới, công nghệ cao vào nông nghiệp đòi hỏi chúng ta phải có được nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật. Do đó, cơ hội nghề nghiệp cho các em học các ngành này là vô cùng rộng mở.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!