Nâng cao chuỗi giá trị hàu Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mặc dù, có nhiều tiềm năng nuôi hàu thương phẩm để cung cấp thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, nhưng Việt Nam còn thiếu các công nghệ nuôi hàu chuyên sâu để xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao.

Tiền năng lớn, rào cản cũng không nhỏ

Hàu là một trong những sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ có tiềm năng lớn trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của Việt Nam. Hiện diện tích nuôi hàu khoảng 3.000 ha, tập trung tại các tỉnh ven biển như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành nông, lâm và thủy sản Việt Nam, trong đó, có nâng cao thu nhập của người nuôi thông qua phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất nuôi trồng. Sản lượng thủy sản đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua, trong đó lượng sản xuất và tiêu thụ hàu nội địa đều tăng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hàu chủ yếu được tiêu thụ nội địa và lượng xuất khẩu không nhiều. Việt Nam cũng còn thiếu các công nghệ nuôi hàu chuyên sâu để xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao. Sản phẩm hàu của Việt Nam vẫn đang gặp những vấn đề như năng suất thấp, chưa có cơ sở hạ tầng nuôi hàu có khả năng chống chọi với thiên tai và có thể sản xuất hàu chất lượng cao để ăn sống. Do đó, cần phải cải thiện công nghệ NTTS và phương pháp quản lý vệ sinh, cũng như tiếp thị và phát triển các kênh bán hàu.

Nuôi hàu bằng phao nhựa HDPE tại tỉnh Quảng Ninh vừa nâng cao năng suất vừa bảo vệ môi trường biển. Ảnh: Hữu Thắng

Nghề nuôi hàu giống đang mở ra cơ hội làm giàu rất lớn cho người dân vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn phải đối diện với một số khó khăn dẫn đến tỷ lệ thành công chưa cao, chưa khai thác hết được hiệu quả tiềm năng vốn có của vùng. Cụ thể, công tác quản lý sản xuất và dịch vụ giống còn nhiều hạn chế như các cơ sở dịch vụ giống thủy sản còn nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết và trách nhiệm với người nuôi; việc đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống hạ tầng xử lý nước sạch chưa đồng bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất hàu giống tại huyện Kim Sơn chủ yếu mang tính tự phát nên kỹ thuật nuôi trồng của các hộ dân còn nặng tính kinh nghiệm, thiếu áp dụng các tiến bộ khoa học và các quy trình sản xuất hiện đại; người tham gia sản xuất chưa được đào tạo bài bản và thống nhất trong bối cảnh nghề nuôi hàu giống chỉ mới xuất hiện gần đây tại huyện Kim Sơn và hiện nay địa phương vẫn chưa có điều chỉnh quy hoạch, chỉ đạo chuyển đổi nghề nuôi thủy, hải sản trên địa bàn.

Tại tỉnh Khánh Hòa, một bè hàu được đầu tư khoảng 45 triệu đồng bao gồm chi phí giống và nhân công. Doanh thu mỗi vụ dao động 30 – 50 triệu đồng/bè. Mỗi hộ thường có 3 – 5 bè và nuôi được 3 vụ mỗi năm. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của hàu tại Việt Nam vẫn thấp và được các chuyên gia đánh giá là chưa khai thác hết tiềm năng. Tại Khánh Hòa, 95% sản lượng dùng làm thức ăn tôm hùm, 4% dùng làm thực phẩm cho người thị trường nội địa và 1% cho xuất khẩu.

Hay như tại TP Hồ Chí Minh, thành phố có 220 ha nuôi hàu tại huyện Cần Giờ, sản lượng trên 21.000 tấn mỗi năm nhưng chủ yếu tiêu thụ tại chỗ. Các cơ sở bóc tách hàu nhiều nhưng cả nước hiện chỉ có 2 doanh nghiệp có chế biến xuất khẩu hàu thường xuyên là BIM Group và VINABS. Các doanh nghiệp như Việt Trường, Lenger Seafood có hoạt động nhưng đơn hàng không ổn định.

Tận dụng vùng Đầm Nại rộng lớn khoảng 1.200 ha, ngư dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đang phát triển mô hình nuôi hàu treo dây trong lồng bè cho hiệu quả kinh tế cao. Theo chia sẻ của người dân địa phương, nghề nuôi hàu có từ lâu đời với người dân ven bờ Đầm Nại, nhưng trước đây do nuôi tự phát, con giống phụ thuộc vào khai thác trong tự nhiên nên hiệu quả không cao. Khoảng 5 năm lại đây, địa phương được Trung tâm Giống hải sản cấp I tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT) chuyển giao kỹ thuật nuôi giống hàu Thái Bình Dương treo dây trên lồng bè.

Nuôi hàu Thái Bình Dương trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: Nguyễn Long

Ông Nguyễn Quý Trọng Bình, Giám đốc HTX thủy sản Như Ý (xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, hiện trên sông Chà Và, sông Dinh, sông Rạng ở Long Sơn có khoảng hơn 300 cơ sở nuôi với hơn 13.500 lồng nuôi với các loài thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao, trong đó con hàu chiếm khá lớn. Sản lượng các loài khoảng 15.000 – 20.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo ông Bình việc NTTS ở đây còn mang tính tự phát, thiếu bền vững, chưa có sự liên kết chặt chẽ, rõ ràng giữa du lịch với ẩm thực và hướng đến xuất khẩu. Những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ổn định trật tự cũng như chính sách liên kết để phát triển nghề nuôi hàu nói riêng và các loài khác nói chung ở Long Sơn theo hướng bền vững, thương mại hóa, giá trị gia tăng cao. Ông Bình cũng thông tin: “Trước mắt chúng tôi bao tiêu sản phẩm cho người nuôi với giá cả ổn định. Tại Long Sơn, có nhà hàng phục vụ du khách. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch với các công ty du lịch lữ hành để cùng đưa du khách sau khi tham quan Long Sơn sẽ thưởng thức đặc sản hàu của địa phương. Đặc biệt, chúng tôi đang xúc tiến việc đóng gói hàu để phục vụ trong nước và xuất khẩu”.

Hợp tác phát triển nuôi hàu

Ngày 14/2, tại TP Hồ Chí Minh, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty CP Yamanaka (Nhật Bản) đã tổ chức hội thảo với chủ đề Kỹ thuật nuôi hàu và quản lý vệ sinh. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa hai bên “Khảo sát tính khả thi của việc áp dụng kỹ thuật nuôi hàu ăn sống và kỹ thuật quản lý vệ sinh, nhằm chấn hưng ngành nuôi hàu ở Việt Nam, hướng tới hình thành dự án kinh doanh”, được thực hiện từ tháng 6/2022; để nghiên cứu tính khả thi liên quan đến chuyển giao công nghệ và xây dựng các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh trong ngành nuôi hàu, thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.

Hội thảo đã chia sẻ về tình hình nuôi hàu tại Việt Nam, chất lượng nước, kết quả xét nghiệm vi sinh và kết quả nuôi thử nghiệm, cũng như các kỹ thuật NTTS và phương pháp quản lý vệ sinh ở tỉnh Miyagi, Nhật Bản, nơi nghề nuôi hàu đang phát triển mạnh. Hội thảo đã thu hút các chuyên gia Nhật Bản từ các hiệp hội và công ty chuyên về thủy sản, quản lý vệ sinh, vi sinh… cùng thảo luận về công nghệ nuôi hàu và quản lý vệ sinh tại Nhật Bản.

Ông Ihara Hidenori, Phó trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, Dự án hợp tác phát triển nghề nuôi hàu tại Việt Nam sẽ sử dụng các công nghệ của Công ty Yamanaka nhằm nâng cao nhận thức về kỹ thuật nuôi hàu, và các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh. JICA hy vọng đây là cơ hội để lan tỏa kỹ thuật nuôi hàu có giá trị gia tăng, nâng cao năng suất và giúp tăng thu nhập cho người dân nuôi thủy sản ở Việt Nam trong tương lai.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!