(TSVN) – Phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, bền vững là chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngành nông nghiệp cũng hướng đến nhằm giá tăng giá trị và bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực nuôi tôm, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi theo xu hướng này để tối ưu hóa đầu vào và đầu ra.
Nông nghiệp xanh được hiểu là một hệ thống sản xuất nông nghiệp nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên bền vững và bảo đảm an toàn thực phẩm. Mục tiêu của nông nghiệp xanh là tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên; giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện thu nhập cho nông dân thông qua sản xuất bền vững; đồng thời phát triển các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng và bền vững.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Cụ thể, Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhấn mạnh ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển nông nghiệp; Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, trong đó nhấn mạnh phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, an toàn, thân thiện với môi trường, gắn với nền nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Nắm bắt chủ trương đó, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng đến nền kinh tế trung hòa cácbon vào năm 2050.
Những chính sách phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững của Đảng và Nhà nước đã tạo bước tiến quan trọng trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, tập quán canh tác của nông dân và nhận thức về phát triển bền vững.
Trong đó, lĩnh vực trồng trọt áp dụng quy trình canh tác GAP và mô hình sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi. Nuôi trồng thủy sản đã áp dụng kiểm soát chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn. Nhờ triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch nên sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Theo các chuyên gia, “sản xuất xanh” trong nuôi tôm dựa trên các nguyên tắc bền vững, bao gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và động vật, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Mô hình sản xuất này mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi, doanh nghiệp và xã hội.
Lĩnh vực nuôi tôm của nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển “sản xuất xanh”. Và trên thực tế, nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng “xanh” đang ngày càng được nhân rộng. Có thể kể đến là các mô hình tôm – rừng kết hợp, tôm – lúa… Cùng với đó, là nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn để tối ưu hóa đầu vào và đầu ra, như sử dụng năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, biogas). Ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín biofloc, biogas…
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để chủ trương, chính sách này đi vào thực tế, cần sự hưởng ứng của các doanh nghiệp và người nuôi tôm, vì họ mới là chủ thể trong quá trình thực hiện. Chính vì thế, làm sao để kết nối được các mắt xích liên quan trong chuỗi sản xuất, cũng như có sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước và sự chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế… thực sự là yêu cầu cần thiết!
Nắm bắt được nhu cầu khách quan, đồng thời hưởng ứng chủ trương của Đảng, Chính phủ và hành động của ngành thủy sản, Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 6 năm 2025 (VietShrimp 2025) đã lựa chọn chủ đề “Xanh hóa vùng nuôi”.
Theo chia sẻ của Ban Tổ chức, Hội chợ VietShrimp lần này không chỉ tạo cầu nối để các doanh nghiệp và người nuôi tôm trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, mà còn là diễn đàn lớn để các bên cùng tìm giải pháp đưa ngành tôm phát triển ngày càng bền vững hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là những mô hình nuôi tôm đang là thế mạnh của nước ta. Vì đây được coi là điểm đột phá trong nuôi trồng và xuất khẩu tôm những năm tiếp theo.
Trong bối cảnh nền kinh tế chung vẫn chưa khởi sắc thực sự, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, nhất là với con tôm còn những trở ngại nhất định, thì việc tìm ra hướng đi mới này được xem là lựa chọn thông minh. Vì thế, VietShrimp 2025 tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn trong nước và thế giới.
Cũng theo chia sẻ của đại diện Ban Tổ chức, các doanh nghiệp, đơn vị tham gia VietShrimp 2025 sẽ tập trung giới thiệu những mô hình, những sản phẩm, giải pháp theo hướng phát triển bền vững, nhất là khi bối cảnh nuôi tôm đang chịu nhiều tác động của vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Với sự tham dự và đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp và bà con nuôi tôm trong nước cũng như quốc tế, VietShrimp 2025 được hứa hẹn sẽ tiếp tục tìm được những giải pháp tối ưu phát triển ngành tôm.
Phan Thảo