Các tiến bộ kỹ thuật đang giúp lĩnh vực khai thác thủy sản tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời, cải thiện thu nhập đời sống người dân và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.
Công nghệ khai thác mực
Qua nghiên cứu cho thấy, công nghệ khai thác mực đại dương (Sthenoteuthis oualaniensis) và mực ống (Loligo spp) ở vùng biển xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao (khoảng 2,3 – 2,8 lần) so công nghệ cũ, an toàn hơn cho ngư dân khi hoạt động trên biển. Hiện, công nghệ này đã và đang được chuyển giao và áp dụng trên các tàu lưới chụp ở các tỉnh ở miền Trung và Đông – Tây Nam bộ.
Lưới rê hỗn hợp khai thác hải sản xa bờ
Đã đưa ra được mẫu lưới rê hỗn hợp khai thác đạt hiệu quả và có tính chọn lọc cao một số đối tượng có giá trị kinh tế ở vùng biển xa bờ Việt Nam. Kết quả ứng dụng cho thấy, năng suất khai thác cao hơn so lưới rê truyền thống (khoảng 192,31% ở Vịnh Bắc bộ; 260,71% ở miền Trung và 113,25% ở miền Nam); Giảm 2 – 3 lao động so nghề lưới rê thu ngừ truyền thống; thời gian thu lưới giảm 6 giờ so với lưới rê thu ngừ truyền thống; nâng cao thu nhập, giảm chi phí đầu tư và sửa chữa lưới.
Lưới rê có thể khai thác ở vùng biển gần bờ lẫn xa bờ – Ảnh: Phan Thanh
Hiện, tiến bộ kỹ thuật này đã được ngư dân ở các tỉnh như: Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… ứng dụng vào thực tế sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Khai thác cá ngừ bằng lưới vây đuôi
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mẫu tàu cải tiến hoạt động ổn định, tốc độ thả lưới đạt đến 9,2 hải lý/giờ và cơ động hơn so với tàu lưới vây mạn (trước cải tiến) khi thả lưới. Thiết bị khai thác lắp đặt trên boong phù hợp, đảm bảo độ bền, tiện lợi cho việc thả và thu lưới vây phía sau đuôi. Năng suất khai thác tăng 1,7 lần so với lưới vây mạn (do tốc độ thả lưới tăng), số lượng lao động giảm khoảng 5 – 7 người.
Khai thác cá ngừ đại dương giống
Công nghệ này đã đưa ra được mẫu lồng lưu giữ và vận chuyển cá ngừ đại dương giống; xây dựng được quy trình kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương giống cho nghề lưới vây; quy trình kỹ thuật lưu giữ và vận chuyển cá ngừ đại dương giống phục vụ nuôi thương phẩm. Kết quả đã vận chuyển được 748 con cá ngừ giống, tỷ lệ sống đạt 94,6% từ khu vực đánh bắt về vùng nuôi an toàn. Các kết quả nghiên cứu đang được ứng dụng trong khai thác cá ngừ đại dương giống phục vụ nuôi thương phẩm tại Khánh Hòa.
Khai thác, sơ chế và bảo quản cá ngừ đại trên tàu câu tay
Đã ứng dụng, cải tiến thành công câu cần, máy gây sốc (tuna shocker), máy thu câu của Nhật; thiết kế và xây dựng quy trình sử dụng cho hệ thống ngâm hạ nhiệt (hầm ngâm trung gian và hầm ngâm chính), thiết kế và chế tạo giá đỡ cần câu… Kết quả thử nghiệm cho thấy, chất lượng cá ngừ đã tốt hơn so tàu ngư dân hiện tại, với tỷ lệ cá đạt loại A là 22%, loại B là 71% và loại C là 7%; so với quy trình và thiết bị của ngư dân hiện tại, tỷ lệ cá đạt loại A là 0%, loại B là 80,5% và loại C là 19,5%. Hiện nay, công nghệ đang được ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Hệ thống tời thủy lực cho đội tàu lưới chụp
Áp dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại 7 tỉnh với 21 mô hình; việc áp dụng hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp khai thác hải sản đã mang lại hiệu quả rõ rệt hơn so việc sử dụng tời cơ ma sát truyền thống của ngư dân. Cụ thể: Tăng sản lượng khai thác khoảng 1,15 lần; lợi nhuận và thu nhập của chủ tàu và người lao động tăng từ 1,23 – 1,25 lần; giảm số lượng (từ 2 – 3 người/tàu) và sức lao động; tăng số mẻ lưới (từ 2 – 3 mẻ/đêm); tăng diện tích mặt boong thao tác; tăng tuổi thọ dây giềng rút… Hiện nay, trong cả nước đã có khoảng 450 tàu áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt 100% tàu lưới chụp đóng mới đều có nhu cầu lắp hệ thống tời thủy lực.
Hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới rê tầng đáy
Công nghệ này giảm số lượng (khoảng 2 người) và sức lao động; thu nhập cho lao động tăng khoảng 1,28 lần so tàu lắp tời cơ ma sát; lợi nhuận của chủ tàu tăng khoảng 1,03 lần; giảm chi phí nhiên liệu; giảm được thời gian thu lưới xuống còn 0,67 lần; có khả năng trang bị thêm từ 95 cheo lưới khi áp dụng tời thủy lực, từ đó tăng hiệu quả kinh tế; hệ thống tời thủy lực hoạt động ổn định, ít bị hỏng trong quá trình hoạt động so với tời cơ ma sát. Hiện nay, tiến bộ kỹ thuật này đang được tiếp tục chuyển giao cho các tỉnh Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Ninh Thuận.
TS Phan Đăng Liêm
Viện Nghiên cứu Hải sản