T3, 05/12/2023 07:54

Nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, việc bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến tổn thất thủy sản khai thác sau thu hoạch còn nhiều. Do đó, việc áp dụng các phương pháp, công nghệ bảo quản thủy sản mới, hiện đại là yêu cầu cấp thiết để nâng cao giá trị các sản phẩm thủy sản sau khai thác.

Hạn chế của phương pháp truyền thống

Theo ngành chức năng, hiện nay tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản lên đến 20 – 25%. Nguyên nhân là do tàu khai thác, đánh bắt trên biển chủ yếu có công suất nhỏ, thiếu các thiết bị bảo quản sản phẩm.

Hầu hết các loại hải sản khai thác có giá trị kinh tế cao đều được các ngư dân bảo quản bằng khay nhựa có ướp đá và chứa trong các hầm bảo quản. Tuy nhiên, các hầm bảo quản này chỉ được cách nhiệt bằng xốp với vách ván và phương pháp bảo quản lạc hậu… nhưng thời gian lưu trữ trên biển dài ngày đã làm giảm chất lượng hải sản. Đối với những loại hải sản có giá trị thấp, ngư dân chưa quan tâm nhiều đến việc bảo quản sau thu hoạch nên tổn thất đối với các sản phẩm này rất lớn.

Các đại biểu được giới thiệu về hệ thống nhật ký điện tử và công nghệ CPF trong khai thác.

Phương pháp bảo quản với nước đá có thể là muối xá (cứ một lớp thủy sản cho một lớp nước đá ngay trong hầm bảo quản), bảo quản bằng khay nhựa (thủy sản đựng trong khay nhựa có phủ đá ở trên) hay thủy sản đựng trong bao nylon bỏ vào hầm nước đá. Với phương pháp bảo quản này, bên cạnh việc nước đá đem theo phải đủ lớn thì hầm bảo quản đóng vai trò cực kỳ quan trọng để đảm bảo tốc độ tan chảy của nước đá là chậm nhất và nhiệt độ thấp được ổn định trong suốt quá trình bảo quản sản phẩm thủy sản.

Thông thường, các tàu đánh cá bảo quản thủy sản bằng phương pháp truyền thống có hầm bảo quản cá được ngăn thành 4 – 6 hầm nhỏ bằng ván gỗ dày 1,5 – 2 cm. Mỗi vách của hầm bảo quản được cách nhiệt bằng tấm xốp ép chặt vào vách hầm. Thành vách hầm được đóng chặn bằng ván gỗ và thường được phủ bạt hay sơn để dễ làm vệ sinh và khử trùng sau mỗi lần sử dụng. Phía trên hầm có nắp đậy bằng gỗ được ốp tấm cao su dày 5 cm để giữ nhiệt. Với cách thiết kế này, nước đá đem theo để bảo quản thủy sản chỉ có thể giữ được khoảng 10 – 15 ngày, hầm nào giữ nhiệt tốt lắm cũng chỉ 20 ngày. Do đó, với thời gian khai thác mỗi chuyến biển 1 – 2 tháng thì rõ ràng phương pháp bảo quản này chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi khi nước đá chảy sẽ làm tăng nhiệt độ trong hầm bảo quản dẫn đến thủy sản bị phân hủy và đến khi tàu vào tới bờ thì thủy sản đã bị giảm chất lượng, tỷ lệ sản phẩm hư hỏng nhiều gây tổn thất lớn. Mặt khác, hầm bảo quản truyền thống có tuổi thọ ngắn, chỉ vài năm là thời gian giữ nhiệt của hầm bảo quản giảm (mất hơi) nên thông thường chỉ 5 – 6 năm thì ngư dân phải cải tạo lại hầm.

Phương pháp mới bảo quản thủy sản trên tàu cá đánh bắt xa bờ giúp tăng chất lượng sản phẩm. Ảnh: TH

Phương pháp bảo quản hiệu quả hơn

Hiện phương pháp hiệu quả có thể kể là phương pháp làm hầm cá bằng vật liệu foam PU (poly urethane) thay cho tấm xốp thông thường. Đây là vật liệu được tạo ra bằng sự kết hợp của hai dung dịch lỏng ở cùng áp lực thổi của máy nén khí vào hộc gỗ đã đóng sẵn. Hỗn hợp dung dịch này sẽ nở ra, khô cứng lại và bám chặt vào thành gỗ làm kín tất cả các kẽ hở dù là nhỏ nhất, nên giữ nhiệt rất tốt và hạn chế được những tác động từ bên ngoài. Sau đó, vách hầm được vệ sinh sạch, quét keo làm kín bề mặt gỗ của vách hầm để chống thẩm thấu, đồng thời tăng độ kết dính của tấm inox (inox tấm dày từ 0,45 – 0,5 mm) được ốp vào vách hầm bảo quản. Tấm inox cũng sẽ được bắc vít vào vách hầm để tăng độ chắc chắn cho vách hầm, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho khâu vệ sinh và chống được sự va đập mạnh. Ngoài ra, cửa hầm được lắp đặt bằng cửa kho lạnh đạt chuẩn được gắn gioăng cao su xung quanh.

Ngư dân trang bị hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu mới PU đạt tiêu chuẩn giữ lạnh lâu, đủ thời gian khai thác dài ngày trên biển, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tăng hiệu quả kinh tế. 

Phương pháp mới này sẽ giúp chống thấm nước, giữ lạnh rất tốt; Theo thực tế các tàu đã triển khai xây dựng hầm bằng vật liệu mới PU thì nước đá mang theo được sử dụng đến 95% (hầm truyền thống khoảng 60 – 70%), hạn chế tàu phá nước; thời gian đánh bắt trên biển có thể kéo dài thêm 5 – 7 ngày nhưng vẫn đảm bảo hải sản tươi, đạt chất lượng. Hầm bảo quản PU có thời gian sử dụng lên đến 15 – 20 năm, còn hầm bằng xốp chỉ sử dụng được 3 – 4 năm.

Cũng nhờ được bảo quản tốt, khi vào bờ, sản phẩm vẫn giữ được độ tươi ngon, không bị trầy xước, nên giá thu mua sản phẩm cũng cao hơn so với sản phẩm của các tàu khác từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Nếu tính bình quân các tàu khai thác xa bờ mỗi chuyến biển sản lượng 20 – 30 tấn thì doanh thu tăng thêm từ 20 – 30 triệu đồng. Đây là một con số lý tưởng cho ngư dân tham gia ứng dụng công nghệ mới về bảo quản. 

Ngư dân Nguyễn Thành Khâm, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, những năm trước, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông đầu tư một hầm bảo quản hải sản theo công nghệ PU, với tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Sau hai năm sử dụng, ông Khâm khẳng định: Hầm bảo quản PU không những giúp ngư dân giảm được hơn 15% chi phí, mà lợi nhuận còn tăng 20 – 30% so với trước.

Qua so sánh giữa phương pháp bảo quản sản phẩm cổ truyền và phương pháp hầm bảo quản PU (Polyurethane) thì phương pháp mới đáp ứng các yêu cầu như không trầy cá, độ lạnh được trải đều chất lượng cá được bảo quản thời gian dài hơn so với phương pháp cổ truyền là 7 – 10 ngày. 

Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ mới phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của công nghiệp đóng mới hầm bảo quản sản phẩm của các nước có nghề cá phát triển và rất cần thiết cho người dân khai thác thủy sản xa bờ của cả nước. Với công nghệ mới này chủ tàu có thể tăng thời gian bám biển, hạ giá thành sản phẩm khai thác như vậy hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây góp phần thúc đẩy phát triển nghề khai thác xa bờ bảo vệ an ninh trên biển. 

Theo ông Nguyễn Minh Thành, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), chủ tàu cá TH-90295TS, có chiều dài 20 m, với công suất 400 CV chuyên khai thác ở ngư trường Vịnh Bắc bộ, cho biết: Đầu tư ứng dụng công nghệ hầm bảo quản hải sản trên tàu cá bằng vật liệu PU có độ kín cao, giữ nhiệt tốt, nước và không khí bên ngoài không thẩm thấu vào hầm được, nên bảo quản sản phẩm tốt. Mặc dù, ứng dụng công nghệ PU làm hầm bảo quản sản phẩm có nhiều ưu điểm, nhưng do chi phí cao nên ngư dân chưa áp dụng rộng rãi.

Khả năng nhân rộng 

Với phương pháp xây dựng hầm bảo quản bằng vật liệu công nghệ cách nhiệt dưới dạng bọt xốp PolyUrethane (PU) mới, vật liệu COMPOSITE, sẽ giúp khắc phục các nhược điểm ở hầm truyền thống. Bọt xốp PU khi phun vào sẽ bám chặt vào vách ngăn và mặt trong của vỏ tàu ngăn không cho thấm nước, giữ lạnh rất tốt, khối lượng nước đá mang theo được sử dụng đến 95% (bình thường khoảng 60-70%), hạn chế tàu phá nước. Đặc biệt là kéo dài thời gian đánh bắt trên biển nhưng vẫn đảm bảo muối cá, mực tươi đạt chất lượng. 

Một số mô hình được ngành chức năng triển khai ở các tỉnh cho kết quả rất khả quan, hiện nay ngư dân khai thác xa bờ đang ứng dụng vật liệu PU làm hầm bảo quản. Mô hình đang được nhân rộng trong ngư dân nhất là các tàu khai thác xa bờ. Theo số liệu điều tra sơ bộ hiện nay sau khi dự án triển khai hiệu quả thể hiện rất rõ nên ngư dân toàn cả nước đang chuyển dần từ vật liệu cổ truyền steropho sang PU. Nhất là các tàu xa bờ đóng mới từ năm 2011 – 2013: ở Kiên Giang gần 569 tàu đóng mới đều sử dụng PU, Cà Mau cũng đã chuyển sang dùng vật liệu này trên 153 tàu. Khánh Hòa 28 tàu đóng mới sử dụng PU, Nghệ An đã có khoảng 100 tàu sử dụng PU, Bình Định trên 15 tàu đã sử dụng PU làm hầm bảo quản…… 

Với những tính chất vượt trội về giữ nhiệt, hiệu quả bảo quản tốt nên hiện nay công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoach trên tàu cá khai thác xa bờ bằng vật liệu mới PU đang được các hộ ngư dân các địa phương ứng dụng rộng rãi ở các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng… 

Ngày 30 - 31/11, tại Hải Phòng, Công ty TNHH XNK và Thương mại PuFoam đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Hải Phòng tổ chức lớp tập ứng dụng hệ thống nhật ký điện tử và công nghệ CPF (Composite Polyurethane Foam) trong bảo quản sản phẩm, trên tàu khai thác hải sản xa bờ cho 30 ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn TP Hải Phòng.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!