(TSVN) – Với chủ đề: “Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển tôm – lúa ở ĐBSCL hiệu quả, bền vững”, Diễn đàn Tôm Việt 2020 do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào sáng 5/10 thu hút đông đảo các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý, nông dân vùng tôm – lúa…
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nêu rõ mục đích của diễn đàn năm nay là để tập hợp các thành tựu khoa học công nghệ, các mô hình sản xuất tôm – lúa nhằm đúc kết thành quy trình, kiến thức mới áp dụng vào sản xuất để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của mô hình. TS Trần Đình Luân nhấn mạnh: “Thông qua diễn đàn, chúng ta sẽ nhận diện được những thuận lợi, vướng mắc và đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả cả về các vấn đề kỹ thuật sản xuất tôm – lúa theo hướng “Lúa thơm – Tôm sạch” và liên kết sản xuất theo hướng chứng nhận hữu cơ – bền vững”.
Theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, diện tích tôm – lúa hiện chiếm khoảng 29% diện tích nuôi tôm cả nước nhưng năng suất và giá trị của 2 sản phẩm của mô hình là tôm và lúa đều chưa tương xứng với tiềm năng và vẫn chưa có thương hiệu riêng. Vì vậy, chủ trương phát triển “Lúa thơm – Tôm sạch” cho mô hình tôm – lúa là mục tiêu mà toàn ngành đang hướng tới nhằm tạo ra sản phẩm sinh thái hay hữu cơ để tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trong mô hình. Đánh giá thêm về thực trạng mô hình tôm – lúa, TS Võ Nam Sơn, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về mô hình này nhưng đến nay năng suất của cả tôm lẫn lúa của mô hình vẫn thấp.
Liên quan đến vấn đề liên kết, các tham luận đến từ các doanh nghiệp ngành tôm lẫn lúa gạo, như: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Việt – Úc, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú, DNTN Hồ Quang… đều khẳng định sẽ đồng hành cùng mô hình trong việc tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ hay các chứng nhận quốc tế khác nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả của mô hình tôm – lúa. Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua khẳng định vùng tôm – lúa rất thuận lợi cho việc sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ, nhất là đối với cây lúa. Tuy nhiên, để mô hình phát huy hiệu quả cần có sự kết nối giữa các vùng để không chỉ đảm bảo về số lượng, chất lượng mà còn tạo được tính liên tục giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng xuất khẩu.