(TSVN) – Ngày 15/12, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì, ngoài ra có sự tham dự của ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang; các Sở, ngành và doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu trong khu vực ĐBSCL.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến Hội chủ trì hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, do tình hình bất ổn ở một số nơi trên thế giới và lạm phát toàn cầu, nên việc xuất khẩu cá tra không đạt như kỳ vọng. Ước tính cả năm, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700 ha (bằng 98% so với cùng kỳ năm ngoái); sản lượng cá tra ước đạt khoảng 1,60 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, chỉ đạt 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tính đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam có xu hướng giảm như: Trung Quốc giảm gần 22%, Hoa Kỳ giảm hơn 53%, EU giảm hơn 17%. Riêng thị trường Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây lại là những thị trường chiếm tỉ trọng nhỏ.
Chế biến xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL.
Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, ngoài nguyên nhân do tình hình bất ổn và lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra có xu hướng giảm, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn…còn một số nguyên nhân khác như: một số quốc gia láng giềng đã phát triển sản xuất cá tra; trong khi sản phẩm cá tra của Việt Nam còn đơn điệu; sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỉ trọng nhỏ nên chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn.
Bên cạnh đó, còn bị ảnh hưởng bởi công đoạn giống, nuôi thương phẩm như: thức ăn chiếm tỉ trọng lớn (70-80%) trong giá thành sản xuất; một số cơ sở sản xuất giống chưa quan tâm kiểm soát chặt chẽ đàn cá bố mẹ, chưa tuân thủ đúng thời hạn sử dụng cá bố mẹ, tỷ lệ sống giai đoạn ương dưỡng còn thấp; một số địa phương chưa thực hiện cấp Giấy xác nhận nuôi cho các cơ sở nuôi nhỏ lẻ theo quy định…
Theo bà Nguyễn Thị Băng Tâm, Chuyên viên Phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, hiện Indonesia đã nuôi và thu hoạch 0,6 triệu tấn/năm, họ đã xuất khẩu sang Trung Đông, Nhật Bản, Myanmar… Bên cạnh đó có Trung Quốc và Bangladesh cũng đã bắt đầu nuôi, từ đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của cá tra của Việt Nam. Chất lượng giống cái gốc của chuỗi cá tra, giải quyết được con giống thì sẽ giúp tăng tỷ lệ sống, tăng hiệu quả sản xuất; thứ 2 là thị trường, là động lực kéo để khuyến khích sự phát triển sản xuất; thứ 3 là giảm chi phí sản xuất. Đó là 3 vấn đề, giống chất lượng – giảm chi phí – thị trường tốt là định hướng trong tương lai gần của ngành hàng cá tra Việt Nam.
Chất lượng giống cần được đảm bảo để tăng sức cạnh tranh cho cá tra Việt Nam
Dự báo sản lượng cá tra năm 2024, sẽ tăng 2,8% so với năm nay. Lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II/2024. Sản lượng thu hoạch trong 2 quý đầu năm tới không cao như kỳ vọng… Tuy nhiên, với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong quý I, II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.
Theo các đại biểu tham dự hội nghị, để đáp ứng tốt hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khó khăn, các quy định, rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe; điều kiện nuôi không còn thuận lợi như trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như giải quyết những khó khăn nội tại về chất lượng giống, thức ăn và sự thực thi các quy định của pháp luật…Thời gian tới, nhất là năm 2024, cần tiếp tục nâng cao chất lượng giống cá tra, trong đó cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng (khả năng kháng bệnh, tỷ lệ phile, mùi vị sản phẩm, tỷ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm, khả năng chịu mặn… tiếp tục bổ sung, thay thế đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh cho các cơ sở sản xuất giống theo nhu cầu, đảm bảo cung ứng đủ con giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, hạ giá thành sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất giống, đặc biệt các cơ sở ương dưỡng giống cá tra và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định, kiểm soát chất lượng giống cá tra bố mẹ trong quá trình sử dụng.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất xử lý nghiêm các vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường. Xây dựng nhiệm vụ xác định yếu tố cấu thành giá thành sản xuất để xây dựng các giải pháp giảm giá chi phí trong chuỗi sản xuất, chế biến cá tra. Khuyến khích các bên có liên quan liên kết, gắn kết hoạt động sản xuất, chế biến theo chuỗi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình sản xuất, giúp đảm bảo ổn định sản xuất, cắt giảm chi phí; nuôi có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu – nhà máy chế biến – cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin; áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận để nâng cao giá trị…
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, tiếp tục phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng chương trình truyền thông để quảng bá cho sản phẩm cá tra; tiếp tục đầu tư, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng, đặc biệt tận dụng một cách có hiệu quả phụ phẩm cá tra; đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm tiện lợi cho tiêu dùng; quan tâm mở rộng thị trường trong nước, hướng tới các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học; mở rộng thị trường, thực hiện các quy định về chứng nhận cho sản phẩm cá tra theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu…
Thứ trưởng nhấn mạnh: để thoát ra khỏi khó khăn thì phải nâng cao sức cạnh tranh, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng. Như vậy, chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi trong quản lý, cơ chế chính sách, trong điều hành sản xuất, trong xúc tiến thương mại, điều chỉnh thay đổi cơ cấu về thị trường; đặc biệt trong khoa học công nghệ, bên cạnh việc quan trắc về an toàn sinh học, vấn đề thú y phòng bệnh, xây dựng cơ sở an toàn, truy xuất được nguồn gốc; thức ăn dinh dưỡng; giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất, từ thu hoạch, sơ chế, chế biến, tận dụng các phụ phẩm như đầu, xương, …đó mới là nâng cao sức cạnh tranh”.
Ngọc Trinh