(TSVN) – Trong phiên họp tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước vào ngày 21/9/2024, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã tham gia thảo luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc tham gia vào các dự án lớn và đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Theo ông Lê Văn Quang, tôm là một trong hai loài thủy sản chủ lực trong chiến lược phát triển nuôi trồng của Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm của Việt Nam đạt từ 3,5 – 4 tỷ USD, chiếm khoảng 13 – 14% giá trị tôm toàn cầu. Việt Nam được đánh giá cao về công nghệ chế biến tôm hiện đại, đồng thời có thế mạnh trong sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng và hàng cao cấp. Nhiều sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam có giá trị gia tăng cao mà các quốc gia như Ecuador và Ấn Độ khó có thể chế biến hoặc chế biến với số lượng hạn chế.
Tuy nhiên, cho đến nay, ngành tôm Việt Nam và ngành nông nghiệp nói chung đang gặp phải không ít thách thức. Năm 2023, sản lượng tôm giảm mạnh 32%, trong khi các đối thủ như Ecuador tăng 14%; Ấn Độ tăng 2%; Thái Lan giảm 9% và Indonesia giảm 12%. Giá bán tôm thương phẩm sụt giảm nghiêm trọng do suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Trong khi đó, chi phí nuôi tôm tại Việt Nam lại rất cao, gây khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường. Chi phí nhân công chế biến cao do các khu công nghiệp thường nằm xa khu dân cư, làm tăng chi phí đưa đón công nhân và ảnh hưởng đến năng suất lao động. Chi phí sinh hoạt cao cũng gây áp lực tăng lương, đẩy mức lương công nhân Việt Nam lên cao so với khu vực. Bên cạnh đó, chi phí xử lý nước thải cũng là gánh nặng cho các doanh nghiệp chế biến.
Ngoài ra, nông dân nuôi tôm chưa chủ động áp dụng các chứng nhận quốc tế như BAP, ASC hay chứng nhận hữu cơ, khiến giá bán tôm khó đạt mức cao. Tỷ lệ thành công trong nuôi tôm tại Việt Nam chỉ đạt 40%, thấp hơn nhiều so với Ecuador (90%) và Ấn Độ (60 – 70%). Việt Nam tiếp cận nuôi tôm sạch bệnh lớn nhanh và mật độ cao đến 500 con/m², gây stress cho tôm, dẫn đến ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh, trong khi đó Ecuador áp dụng phương pháp nuôi tôm kháng bệnh, thích nghi và vừa sức tải của môi trường với mật độ chỉ 15 – 30 con/m², giúp tôm kháng bệnh và thích nghi, không gây ô nhiễm môi trường nên giá thành rất thấp chỉ bằng nửa của Việt Nam. Đây là cách tiếp cận rất thông minh.
Chất lượng tôm giống cũng là vấn đề lớn khi nhiều cơ sở cung cấp giống kém chất lượng, làm giảm tỷ lệ nuôi thành công. Hơn nữa, hầu hết các hộ nuôi tôm tại Việt Nam là nhỏ lẻ, không có hệ thống kênh cấp và thoát nước riêng, dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Trong chuỗi giá trị tôm, Việt Nam có lợi thế ở khâu chế biến, nhưng ở khâu nuôi trồng và phân phối, khả năng cạnh tranh còn hạn chế so với các quốc gia khác. Trong tương lai, các đối thủ có thể bắt kịp và vượt qua Việt Nam về công nghệ chế biến do họ đang tích cực đầu tư.
Tóm lại, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với 5 thách thức chính: (1) chính sách quy hoạch và quản lý về giống; (2) phương pháp nuôi trồng; (3) hệ thống kênh cấp và thoát nước; (4) vật tư nông nghiệp sinh học; (5) phát triển các khu công nghiệp chế biến và nuôi tôm chuyên nghiệp, cùng với các trung tâm thương mại, logistics và phân phối sản phẩm nông nghiệp.
Ông Lê Văn Quang nhận định, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm và phát triển nông nghiệp bền vững, cần thay đổi tư duy, thay vì tập trung vào sản lượng và công nghệ cao, gia tăng số lượng chúng ta cần chú trọng đến yếu tố bền vững và hiệu quả, tăng chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe của con tôm và nâng cao giá trị sản phẩm.
Với chính sách quy hoạch và quản lý về giống, ông Lê Văn Quang kiến nghị: Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu và đề xuất sửa đổi các quy định về sản xuất tôm giống. Điều này bao gồm cho phép các doanh nghiệp nuôi tôm lớn thực hiện quá trình gia hóa, chọn lọc tự nhiên nhằm tạo ra giống tôm kháng bệnh, phù hợp với khí hậu và môi trường của từng vùng nuôi.
Về phương pháp nuôi trồng: Áp dụng công nghệ sinh học thân thiện với môi trường, giảm thải carbon và vừa sức tải của môi trường. Hiện nay, Minh Phú đang chuyển giao công nghệ nuôi tôm sinh học MPBiO tích hợp 10 công nghệ nuôi tôm hàng đầu thế giới, giúp nâng cao tỷ lệ thành công lên hơn 90%, giá thành cạnh tranh với Ecuador và tạo ra sản phẩm tôm có màu sắc đẹp, hương vị thơm ngon, bán được giá cao hơn 20%.
Về hệ thống thủy lợi cho nuôi tôm cần tiếp cận theo hướng thuận thiên, nước ngọt tới đâu trồng lúa tới đó, nước mặn tới đâu nuôi tôm đến đó, mùa mưa nước ngọt về thì nuôi tôm, mùa khô nước mặn xâm nhập thì nuôi tôm. Nhà nước cần đầu tư xây dựng hệ thống kênh rạch, đê điều, và hệ thống cấp thoát nước riêng biệt nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh và tối ưu hóa hiệu quả nuôi trồng.
Về vật tư nông nghiệp sinh học: Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển và ứng dụng phân bón, thức ăn sinh học và các chế phẩm sinh học cho ngành nông nghiệp. Hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, biến chất thải và phế phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm có giá trị, quay lại phục vụ quá trình sản xuất bền vững. Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư cơ sở nền tảng số hóa, AI hóa cho ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đô thị và khu công nghiệp nuôi tôm chuyên nghiệp, đặc biệt là các khu phức hợp tích hợp giữa công nghiệp chế biến, công nghiệp nuôi tôm và khu dân cư đô thị tiện ích. Đồng thời, xây dựng các trung tâm thương mại, logistics và phân phối sản phẩm nông nghiệp. Nhà nước cần hỗ trợ trong khâu quy hoạch, còn Minh Phú sẵn sàng đầu tư xây dựng, với dự kiến xây dựng các khu công nghiệp tôm tại Kiên Giang, Cà Mau và 2 trung tâm xúc tiến nông sản tại Hà Nội và TP HCM.
Công ty CP Tập đoàn
Thủy sản Minh Phú