Nâng cao vai trò, vị thế “bà đỡ” của ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, Hội Nghề cá Việt Nam trong nhiều năm qua đã tích cực triển khai các hoạt động thiết thực hiệu quả trong công tác tổ chức Hội cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên.


Hội Nghề cá Việt Nam luôn bám sát định hướng của Bộ NN&PTNT

Tích cực trên nhiều phương diện

Trong công tác, Hội Nghề cá Việt Nam luôn bám sát định hướng của Bộ NN&PTNT và kế hoạch công tác của Hội  đề ra trong năm. Năm 2018, Hội tiếp tục tăng cường và củng cố lại hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương; kết nạp thêm 1 đơn vị tập thể và 4 hội viên cá nhân là các nhà khoa học trong năm.

Hội cũng thường xuyên theo dõi thông tin và kịp thời lên tiếng phản đối những hành động của Trung Quốc và các nước khác tấn công, uy hiếp tàu cá của ngư dân hoạt động trên biển, nhất là phản đối việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt trên vùng Biển Đông, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay hành vi tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam. Cùng đó, kiến nghị tới các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan về các chính sách phát triển thủy sản, đề xuất nghiên cứu giải quyết vướng mắc thuế nhập trứng cá tầm về sản xuất. Phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định 67, Nghị định 17 về những chính sách phát triển thủy sản…

Về tổ chức sản xuất, Trung ương Hội đã chỉ đạo các Tỉnh hội và đơn vị trực thuộc tham gia vào công tác sản xuất nuôi trồng, khai thác; tổ chức nhiều hội thảo bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về dịch bệnh, thị trường; Hội chợ Công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp 2018 tại bạc Liêu); nhiều hội thảo khoa học, kỹ thuật chuyên sâu thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân, ngư dân.

Ngoài ra, Hội Nghề cá Việt Nam cũng rất tích cực trong phối hợp tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp nhằm sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EU. Mặt khác, phối hợp thực hiện triển khai Quyết định 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước. Đồng thời, tổ chức, vận động hội viên, bà con ngư dân tập trung các biện pháp cải thiện nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản sau thu hoạch, đẩy mạnh có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

Về công tác phản biện, Hội Nghề các Việt Nam đã tham gia góp ý 2 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản 2017, tổ chức các hội thảo chuyên đề trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được mở rộng thông qua Tạp chí Thủy sản VIệt Nam, website của Hội Nghề cá Việt Nam cập nhật thường xuyên, liên tục những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực thủy sản, tuyên truyền những mô hình cách làm hiệu quả để hội viên biết và áp dụng mang lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội Nghề cá Việt Nam năm qua cũng còn những trở ngại nhất định. Trong đó có việc thông tin hai chiều giữa Trung ương Hội với các Tỉnh hội và các đơn vị chưa được kịp thời, chặt chẽ; Hoạt động của các chi hội cơ sở chưa đồng đều. Kinh phí cho hoạt động cũng như cơ sở vật chất cho hoạt động của Hội tại Trung ương và các địa phương còn eo hẹp, cán bộ tại các Tỉnh hội phần lớn là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách… đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động Hội.

Công tác phát triển hội tuy có những kết quả tốt nhưng vẫn còn 3 địa phương chưa có tỉnh hội (Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh); mặt khác, một số tỉnh nội đồng có điều kiện phát triển thủy sản cũng chưa thành lập được Hội… Hay vấn đề thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào Trung ương Hội còn hạn chế, số lượng chưa nhiều; công tác quản lý và cơ chế chính sách đầu tư cho nghề cá còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển (mới đạt 40%) cũng là một trong những trở ngại ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động.

Để có hiệu quả hơn trong năm 2019, các Tỉnh hội đã kiến nghị cần bổ sung cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp với đặc thù nghề cá, tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với ngư dân và các doanh nghiệp làm nghề cá, như chính sách: tín dụng, đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, rủi ro và bảo hiểm. Ngoài ra, tạo điều kiện và ủng hộ kinh phí cho các Hội để thực hiện các chương trình, dự án, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động khoa học và công nghệ, thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hội thảo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản.

>> Hội Nghề cá Việt Nam hiện có 32 Tỉnh hội, 78 đơn vị hội viên tập thể là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp (trường, viện, trung tâm) nhiều nhà khoa học, quản lý là hội viên cá nhân. Tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng sắp tới, Hội sẽ tập trung phân tích và thảo luận bàn giải pháp phát triển trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng vào những giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân, ngư dân; củng cố phát triển tổ chức Hội ngày một lớn mạnh để trở thành cầu nối vững chắc, nâng cao vai trò và vị thế của Hội.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!