Nâng cao vai trò, vị thế của người nông dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghị quyết 19-NQ/TW đã đưa ra giải pháp trọng tâm là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đây là điểm mới và có tính quyết định đến sự thành công trong thực hiện.

Vai trò chủ thể của nông dân

Theo Bộ NN&PTNT, Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu chính đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5 – 6%/năm; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 – 3 lần so với năm 2020. Đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìm đến năm 2050, đặt mục tiêu chung là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, phát triển dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, bền vững, sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực, thế giới.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, Nghị quyết 19-NQ/TW đã đưa ra 5 quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Thứ nhất là tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, mối quan hệ gắn bó của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thứ hai, nông dân là người quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thứ ba, Nghị quyết 19 nêu rõ “nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Thứ tư là định hướng xây dựng “nông thôn hiện đại”, chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ gắn với cơ cấu lại lao động nông thôn. Thứ năm là, sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Nghị quyết 19 cũng xác định: Cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn. Nhận định về điều này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian tới, khoa học công nghệ phải là động lực cho sự phát triển của nông nghiệp. Đồng thời, khoa học công nghệ cần phải có sự chuyển biến theo hướng chuyển từ lượng sang chất, tạo giá trị gia tăng trong tất cả các khâu sản xuất. Với vai trò quan trọng đó, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ cũng như đào tạo nông dân theo chiều sâu hơn.

Đào tạo người nông dân theo chiều sâu và chuyên nghiệp hơn cũng là một trong những giải pháp giúp khẳng định vai trò, vị thế của họ trong thời đại hiện nay. Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân cho rằng, người nông dân chuyên nghiệp thời đại mới đó là những người nông dân có tư duy kinh tế, kiến thức tổng hợp về khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, thị trường. Đó còn là những người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm hiệu quả, “bán cái mà thị trường cần”, hiểu được giá trị của tinh thần hợp tác và liên kết. Họ cũng là những người nhận thức một cách sâu sắc rằng “đi một mình không thể tiến xa hơn mà phải đi chung nhóm, đồng hành tập thể, duy trì liên kết, tăng cường hợp tác phát triển”; là những người nông dân biết nghĩ đến xã hội cộng đồng với cung cách làm ăn tử tế, bền vững, có trách nhiệm…

Hỗ trợ nông dân tiếp cận tri thức, thay đổi tư duy sản xuất

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Quyết định số 150/QĐ-TTg vừa qua; Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các đơn vị của Bộ và địa phương cần đổi mới tư duy trong cách tiếp cận, linh hoạt theo thị trường, cần áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững; phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng; liên kết chặt chẽ ngành nông nghiệp với các ngành, lĩnh vực khác. Cải thiện nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động trong nông nghiệp; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; giáo dục, hướng nghiệp nông nghiệp cho thế hệ trẻ; tiếp cận xu thế thay đổi không ngừng của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những dư địa tăng trưởng mới, những giá trị phát triển mới phù hợp với điều kiện đặc điểm Việt Nam. Cần quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy những giá trị cốt lõi, độc đáo của làng quê, để nông thôn ngày càng trù phú, đáng sống và vì chất lượng sống của người nông dân ngày càng tốt hơn.

Chia sẻ tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VII diễn ra sáng 12/9, ông Trần Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, yếu tố quyết định đến sự thành công của thực hiện Nghị quyết 19 là nhóm giải pháp: nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Làm sao để nông dân và cư dân nông thôn thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn… Để nâng cao năng lực làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn, ông Hưng cho rằng, cần tăng cường giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, khoa học công nghệ, quản trị xã hội, quản lý sản xuất kinh doanh… Từ đó, nông dân và cư dân nông thôn có đủ khả năng làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ nông nghiệp.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!