T2, 06/07/2020 11:02

Nâng cấp cảng cá Cửa Hội: Giúp ngư dân bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Vừa dừng chân ở Cảng cá Cửa Hội (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) khi mặt trời còn chưa “thức giấc”, chúng tôi đã cảm nhận được vị mặn mòi, tanh nồng của biển và bầu không khí mua, bán nhộn nhịp.

Buôn cá mùa trăng sáng

Cảng cá Cửa Hội không quá rộng, được chia thành hai khu vực. Nếu như tại khu hải sản đông lạnh bán buôn, người mua hàng khá trật tự thì khu chờ hàng tươi sống từ tàu thuyền neo đậu lại ồn ào, náo nhiệt. Mỗi khi thuyền sắp vào cảng, những người buôn bán cá đã ào ra mép bờ, đứng chen lấn, om xòm chỉ điểm từng khay cá. Vừa chuyển lên bờ, lập tức những khay thủy sản đã bị 4,5 người cùng tranh giành. Và sau 10 phút, mỗi khay cá bán ra phải chia cho 3 người mua buôn.

Nhộn nhịp mua, bán cá  

Nhộn nhịp mua, bán cá

Những khay hải sản với đủ loại như tôm, mực, cá thu, cá chỉ vàng, cá nục, cá cơm còn tươi cong, được bà con phân loại, chia phần. Khuôn mặt đỏ au, nhễ nhãi mồ hôi nhưng rất phấn khởi vì mua được hàng, bà Vân -buôn bán cá ở chợ Mai Trang – cho biết, sở dĩ có cảnh giành giật từng khay cá vì đang giữa tuần trăng sáng, hải sản tươi sống đánh bắt được ít hơn đầu và cuối tháng. “Hiện đang mùa cao điểm du lịch Cửa Lò, nhu cầu thủy sản tươi sống tăng cao, nên chúng tôi phải đến cảng cá từ lúc 4 – 5 giờ sáng, chờ tàu thuyền về để mua được nhiều loại hải sản ngon”- bà Vân nói thêm.

Sau khi phân loại và chia phần, hải sản tươi sống được vận chuyển lên xe máy. Chỉ tầm hơn 6 giờ sáng,  bắt đầu rời cảng, tỏa về các chợ lân cận để bán hàng.

Nâng cấp hạ tầng cảng cá

Theo ông Lê Kế Hồng- Cảng trưởng Cảng cá Cửa Hội, từ nay đến tháng 10 là thời vụ đánh bắt của ngư dân địa phương, nên nguồn hàng khá dồi dào. Ngoài ra, Cảng Cửa Hội cũng là nơi nhập các mặt hàng thủy sản lớn từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa và từ các tàu đánh bắt xa bờ của Quảng Nam, Quảng Ngãi về. Hiện nhu cầu tiêu thụ thủy – hải sản đang tăng cao nên hàng của ngư dân địa phương rất được giá.

Được biết, Cảng cá Cửa Hội có dịch vụ hậu cần nghề cá rất phát triển. Đây là một trong những yếu tố thu hút các tàu thuyền đánh bắt xa bờ thường xuyên cập cảng, neo đậu, cung cấp thêm thủy – hải sản cho địa phương. Hiện đang có 30 doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá như: sản xuất đá lạnh, cấp đông bảo quản hải sản, cơ khí sửa chữa tàu thuyền; cung cấp nhiên liệu; các dịch vụ ngư cụ, hàng hóa đi biển, và thực phẩm rau xanh, gạo cho ngư dân. Nhờ vậy, Cảng cá Cửa Hội vào giai đoạn cao điểm đón gần 100 tàu thuyền đánh bắt xa bờ từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cập bến. “Trung bình một tàu thuyền về cảng có sản lượng 10 – 30 tấn thủy – hải sản các loại. Trong đó, ngoài hàng tươi sống là mặt hàng dành cho chế biến thức ăn gia súc và sản xuất nước mắm”- ông Hồng cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở hạ tầng của cảng cá đang xuống cấp, diện tích cảng nhỏ, không đủ rộng để đón nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ công suất lớn lưu trú và đáp ứng nhu cầu bảo quản nguồn thủy – hải sản chất lượng cao. Trước khó khăn này, tỉnh Nghệ An đã triển khai xây dựng Dự án Nâng cấp hạ tầng, mở rộng Cảng cá Cửa Hội với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Nhưng hiện dự án đang tạm hoãn do khó khăn về vốn.

Dẫu vậy, với mục tiêu đưa Cảng cá Cửa Hội trở thành một trong những cảng cá lớn nhất khu vực bắc miền Trung, ông Hồng vẫn lạc quan, hy vọng dự án sớm được thực hiện để tàu thuyền trong tỉnh và địa phương khác tới neo đậu, lưu trú.

>> Ông Lê Kế Hồng – Cảng trưởng Cảng cá Cửa Hội:

Việc mở rộng, nâng cấp hạ tầng cảng sẽ đón được nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ, qua đó duy trì nguồn thủy – hải sản phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương; giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Hoa Quỳnh

Báo Công Thương Điện Tử

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!