(TSVN) – Tại Tọa đàm “Tiềm năng và thách thức nuôi trồng thủy sản biển” tổ chức sáng ngày 1/4/2024 tại Quảng Ninh, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam đã có những chia sẻ, góc nhìn đa chiều về sự phát triển ngành nuôi biển tại Việt Nam, trên thế giới và định hướng phát triển tại Quảng Ninh.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi đã đưa ra một ví dụ thực tế: nếu trên đất liền, chúng ta trồng một cái cây có củ thì chỉ tận dụng được không gian xuống dưới lòng đất không quá 2 mét. Tuy nhiên nếu ở dưới biển, chúng ta nuôi hoặc trồng cái gì đó thì có thể tận dụng tới vài trăm mét, thậm chí còn sâu hơn.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị sáng ngày 1/4
Qua đây có thể thấy rằng, tiềm năng nuôi biển là rất lớn, tuy nhiên môi trường biển lại cực kỳ nhiều rủi do, chính vì thế đòi hỏi nuôi biển phải bắt đầu với công nghệ cao, dẫn chứng rõ ràng nhất là bài học nuôi biển thành công từ Na Uy. Không những thế, nuôi biển cần đảm bảo môi trường sạch sẽ bởi nuôi trồng thủy sản vừa là nạn nhân vừa có thể là thủ phạm. Khi lượng tồn dư của thức ăn nuôi biển nếu không được tính toán kỹ lưỡng thì vô hình chung sẽ làm tổn thương ngôi nhà chung của đại dương.
PGS Chu Hồi cho biết ông đã từng thăm khu nuôi biển công nghệ cao trên vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Một trong những đơn vị tiên phong đưa lồng HDPE (nhựa có độ bền cao) vào vùng biển này là Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam. Ở đây, họ nuôi cá theo công nghệ Na Uy quy mô lớn, tối ưu diện tích nuôi, lồng tùy chỉnh được kích thước và có sức chịu sóng gió tốt đặc biệt là mưa bão đến cấp 12. Trung tâm chỉ huy của toàn bộ hệ thống nằm ở tầng hai sà lan với hàng loạt màn hình máy tính để điều khiển, theo dõi hoạt động của cá. Trên màn hình hiển thị các thông số như nhiệt độ nước, độ sâu lồng. Điều đặc biệt là camera 360 độ trong lồng có thể quan sát mọi ngóc ngách, nâng lên hạ xuống theo điều khiển, chỉ cần ngồi trên tàu là có thể biết được sức khỏe của đàn cá ở các lồng. Hệ thống này còn có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp như tốc độ phun thức ăn, thời gian cho ăn…đảm bảo không để thất thoát thức ăn, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Rong sụn được nuôi thành công tại Vân Đồn, Quảng Ninh đang góp phần phủ xanh vùng biển
Với Quảng Ninh, đây là tỉnh có nhiều thủy vực biển quy mô khác nhau trong quần thể đảo ven bờ, không chỉ có cảnh quan đẹp mà còn khá kín gió, thuận lợi cho nuôi biển. Du lịch biển đảo và nuôi biển là những lợi thế vượt trội của Quảng Ninh đã được xác định trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn 2050. PGS. TS Chu Hồi nhấn mạnh: địa phương phát triển cần đi đôi với bảo vệ môi trường, lưu ý phân vùng chức năng biển, quy hoạch nuôi biển, hạ tầng lưỡng dụng, tạo lợi ích kép gắn với du lịch trải nghiệm, nghề cá giải trí. Ngoài ra, cần nuôi đa dạng đối tượng, công nghệ cao, tránh gây ô nhiễm môi trường bằng vai trò doanh nghiệp và lực kéo giữa doanh nghiệp và người dân, duy trì chuỗi sản xuất cung ứng, đồng quản lý khu vực nuôi biển,…
Không gian biển là một hệ tài nguyên chia sẻ, một hệ tài nguyên đa dụng rất nhiều mục tiêu. Cho nên một khu biển cụ thể không phải chỉ là quản trị cho nuôi biển mà còn mang nhiều mục đích khác. Chính vì vậy đòi hỏi một cách quản trị khoa học. Khi chúng ta ca ngợi tiềm năng nhiều nhưng những việc phải làm không chỉ là say sưa với tiềm năng mà còn phải nhiều hơn thế nữa. Cho nên quản trị mà không có sự hỗ trợ của quy hoạch tốt trước hết như luật 2017 đã quy hoạch không gian biển thì chúng ta sẽ thất bại. Hiện mới chỉ có quy hoạch không gian biển quốc gia, các tỉnh chưa có quy hoạch không gian biển. Do đó, thời gian tới cần tận dụng công cụ giúp cụ thể hóa quy hoạch không gian biển, đó là công cụ phân vùng chức năng biển để phân ra những khu vực chi tiết hơn, nhỏ hơn. PGS. TS Chu Hồi nhấn mạnh.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi tham gia đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp, Hợp tác xã nuôi biển tại Quảng Ninh
Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới không ngoại lệ là một quốc gia có tiềm năng nuôi biển rất lớn. Chúng ta có những cơ hội và thuận lợi khi đã có chiến lược nghị quyết 36, chúng ta có khát vọng mục tiêu rất lớn về kinh tế mà trong đó biển là yếu tố vượt trội và cần phải đặt vào vị trí quan trọng. Chúng ta có đề án nuôi biển quốc gia rất cụ thể cần phải triển khai dù có nhiều rào cản và nút thắt. Chúng ta có khát vọng theo tinh thần đại hội 13 và biển là một trong những mảng không thể thiếu được để thực hiện khát vọng đó cho đến giai đoạn 2030. Việc tiến hành nuôi biển thực chất như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại diễn đàn lần này là một sự chuyển dịch xanh trong lĩnh vực kinh tế biển, để giảm khai thác quá mức mà hiện chúng ta đang bị EC cảnh báo thẻ vàng.
Trong giai đoạn từ nay đến 2030 mục tiêu của đề án nuôi biển là nuôi biển gần bờ, tức là cố gắng xa nhất từ 3 – 6 hải lý. Rõ ràng, các địa phương muốn triển khai nội dung này cần phải có lộ trình rất chặt chẽ. Nếu cứ nói nuôi biển rồi triển khai ào ạt, thành lập các hợp tác xã rất nhỏ thì lại trở về bài học thất bại ở vùng cửa sông, ven biển nước lợ, phá nát các tiềm năng của các ngành khác nữa chứ không riêng gì nuôi trồng thủy sản.
Giai đoạn 2031 – 2050, chúng ta bắt đầu phải nghĩ đến tiến xa ra biển 6 hải lý và xa hơn nữa là phải nuôi biển khơi. PGS. TS Chu Hồi cho rằng: Nếu làm đúng lộ trình này thì đây sẽ là đóng góp về chiến lược rất quan trọng để thực hiện chiến lược biển, để Việt Nam không chỉ là tái cơ cấu, giảm khai thác, bảo vệ nguồn lợi mà chúng ta còn tiến ra biển, liên kết với dầu khí, điện gió ngoài khơi trong tương lai. Tận dụng những khoảng không gian để làm sao tối ưu hóa lợi ích vì quản lý biển thực chất là quản trị dựa vào không gian. Đây là quản trị tiên tiến, vì vậy phát triển nuôi biển xa bờ sẽ giúp Việt Nam có một tư thế mới, diện mạo mới, ý nghĩa về tầm vóc quốc gia rất lớn để không đứng mãi ở ven bờ.
Thùy Khánh