Nâng tầm thương hiệu cá sông Đà

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với tiềm năng, lợi thế diện tích mặt nước lớn, vùng lòng hồ sông Đà được đánh giá là một trong những nơi có tỷ trọng phát triển thủy sản cao của nhiều địa phương. Đặc biệt, các địa phương đã thúc đẩy mạnh mẽ nghề nuôi cá lồng sạch đạt thương hiệu sản phẩm OCOP, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.

Song hành cùng với nghề nuôi, thương hiệu cá sông Đà của hồ Hòa Bình đã xây dựng từ nhiều năm nay và được thị trường ghi nhận. Do đó, nuôi cá lồng là một trong những sinh kế quan trọng, mang lại nhiều việc làm và thu nhập cho người dân khu vực lòng hồ. 

Là địa phương tiếp giáp vùng lòng hồ sông Đà, thời gian qua, chính quyền xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng nhằm khai thác tiềm năng về nguồn thủy sản phong phú, đa dạng. Toàn xã hiện có trên 300 hộ nuôi thủy sản, trong đó 10 hộ nuôi cá lồng quy mô lớn, sản xuất tập trung. Cuối năm 2023, các sản phẩm cá lăng đen, trắm đen và cá ngạnh của xã Tiền Phong được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Những sản vật quý được nuôi dưỡng trên dòng Đà Giang đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Phát triển nghề nuôi cá lồng, nâng tầm thương hiệu cá sạch sông Đà; ảnh: Cường Thịnh

HTX Đà Giang Eco là cơ sở nuôi và chế biến cá sạch được thành lập từ đầu năm 2023 với trên 40 lồng nuôi cá. Quy mô 10 thành viên và trên 100 hộ vệ tinh đã tạo nguồn cung dồi dào cho các nhà hàng, khách sạn. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã cung ứng gần 15 tấn cá tiêu thụ trên địa bàn và các vùng lân cận. Cá lăng đen, trắm đen và cá ngạnh là những sản phẩm OCOP của HTX Đà Giang Eco đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường tiêu thụ. Giá thành các sản phẩm phù hợp, thuận tiện trong việc sơ chế, chế biến các món ăn phù hợp trong bữa cơm gia đình. Theo đó, sản phẩm cá lăng đen và trắm đen sau khi thực hiện sơ chế có giá ổn định từ 180.000 – 200.000 đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm được các hộ nuôi trong khoảng 18 tháng trước khi xuất bán. Cùng với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, HTX Đà Giang Eco tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ với nhiều mẫu mã, sản phẩm được chế biến từ cá sông Đà. Theo đó, các sản phẩm được sơ chế, chế biến sâu và đóng gói bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị tại các thành phố lớn và vùng lân cận. Một số sản phẩm tiêu biểu như cá tép chiên, cá kho… mang hương vị đặc trưng được khách hàng ưa thích.

Đại diện xã Tiền Phong chia sẻ, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng… các sản phẩm cá sạch sông Đà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để địa phương tiếp tục xây dựng các sản phẩm nông sản đặc trưng. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nuôi cá lồng theo đúng quy trình, đảm bảo các tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Đa dạng các sản phẩm được sơ chế, chế biến từ cá sạch sông Đà nhằm phục vụ khách hàng. 

Là một trong những HTX nuôi thủy sản được thành lập từ sớm, sau hơn 10 năm hoạt động, HTX Thủy sản Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cung cấp sản phẩm cá sông Đà Quỳnh Nhai cho khách hàng các tỉnh, thành phố của miền Bắc. Anh Lò Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX cho biết, HTX hiện có 9 thành viên, nuôi hơn 400 lồng cá. Trước đây, HTX nuôi nhiều loại cá khác nhau để đa dạng sản phẩm. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, HTX chuyển hướng sang nuôi các loại cá lăng chất lượng cao theo quy trình an toàn. Mỗi lứa nuôi từ 18 tháng trở lên, sản lượng trên 300 tấn, tiêu thụ chủ yếu cho các cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội và và một số tỉnh, thu nhập mỗi năm từ 200 – 700 triệu đồng/thành viên.

Theo kinh nghiệm của những người nuôi cá lồng nhiều năm tại Quỳnh Nhai, đa phần khách hàng ưa chuộng sản phẩm cá tươi; do vậy, phần lớn sản lượng cá của các HTX xuất bán theo hình thức thu hoạch và vận chuyển trực tiếp đến nơi tiêu thụ. Bí quyết được người nuôi tại đây chia sẻ, đó là đàn cá nuôi trong lồng khi đến kỳ thu hoạch thường xuyên được kéo lưới lên cao, thu hẹp diện tích lồng để đàn cá liên tục quẫy đuôi, bơi lội, giống như “tập thể dục” để tăng sức đề kháng, vừa giúp thịt cá săn chắc, vừa giúp cá tăng khả năng chịu đựng môi trường nước hạn chế, nhiệt độ cao hơn mức bình thường, để khi vận chuyển, cá không bị chết ngạt, sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Với mong muốn đa dạng hơn các sản phẩm từ thủy sản nuôi trên lòng hồ, một số HTX, hộ gia đình bước đầu thực hiện sơ chế, chế biến thủy sản. Ông Lò Văn Bình, Giám đốc HTX Thủy sản An Bình, xã Chiềng Bằng chia sẻ, cùng với bán cá tươi, năm vừa qua, HTX đã đầu tư kho đông lạnh để chế biến thêm các sản phẩm cá, tôm cấp đông, fillet cá lăng, cá tép dầu khô… Cuối năm 2023, HTX được huyện tư vấn, hỗ trợ lập hồ sơ và đã được công nhận cá sông Đà cấp đông là sản phẩm OCOP 3 sao, giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cũng với mong muốn đưa sản phẩm thủy sản Quỳnh Nhai đến với nhiều người dùng, chị Đào Thị Hiếu, xã Mường Giàng, đã nghiên cứu cho ra các sản phẩm được chế biến từ cá, tôm sông Đà, như: Chả cá, xúc xích cá, ruốc cá, giò cá, cá sấy khô… Năm 2022, chả cá sông Đà của gia đình chị được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, một số HTX và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai cũng đang phát triển các sản phẩm chế biến từ thủy sản, như: Tôm chao, chả cá lá lốt, cá ngão rút xương, cá mương sấy khô, mắm tép…, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm từ cá, tôm cho khách hàng.

Nhằm đưa sản phẩm cá sông Đà Sơn La tới người tiêu dùng cũng như tạo dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng, khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm trên thị trường; mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp tổ chức Hội nghị tập huấn mô hình khai thác hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La”. Tại buổi tập huấn, người nuôi được các chuyên gia cung cấp kiến thức về marketing; kỹ năng đàm phán, thương lượng và nội dung cơ bản của hợp đồng, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, truyền đạt, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cách nâng cao giá trị nhãn hiệu chứng nhận, logo, bộ nhận diện sản phẩm, cách thức quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội như: fanpage; facebook, zalo, tiktok… Qua tập huấn sẽ trang bị cho các doanh nghiệp, đơn vị, HTX, hộ dân nuôi cá những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong các hoạt động giới thiệu, quảng bá, phát triển mối quan hệ đối tác kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, góp phần khai thác bền vững nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi cá cho người dân địa phương.

Hải Lý

Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình cho biết, ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng, HTX tiếp tục phát triển nuôi trồng hiệu quả loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Trong số đó, tập trung vào các loại cá đặc sản vùng hồ, áp dụng quy trình nuôi trồng VietGAP, thủy sản hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thủy sản, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí. 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!