Nét mới xuất khẩu thủy sản khô

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo VASEP, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá biển khô của Việt Nam thu về gần 78 triệu USD, tăng 33% so cùng kỳ năm ngoái. Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm và cá chỉ vàng. Trong đó, cá cơm chiếm 66%, cá chỉ vàng chiếm 14%.

Tăng trưởng bất ngờ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 28% so cùng kỳ năm 2022. Trong bối cảnh xuất khẩu tôm, cá tra và cá ngừ đồng loạt ghi nhận giảm 2 con số (-36%, -41% và -33%), thì việc xuất khẩu cá khô ấn tượng được xem là một tín hiệu tích cực mới và một hướng đi mới cho xuất khẩu thủy sản. Các thị trường tiêu thụ cá khô của Việt Nam chủ yếu ở châu Á và Nga. Trong đó, Trung Quốc chiếm 56%, Nga chiếm 17%, Malaysia chiếm 8%, Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 4% và Hàn Quốc chiếm 3%. Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng tăng nhập khẩu cá khô của Việt Nam như: Đài Loan (Trung Quốc) tăng 45%, Rumani tăng 90%, Australia tăng 10%, Lithuana tăng 61%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lạm phát, suy thoái kinh tế khiến cả lượng xuất khẩu và giá bán bình quân sản phẩm thủy sản đều giảm. Sở dĩ cá khô xuất khẩu tăng là do người tiêu dùng, đặc biệt ở châu Á, đang thắt lưng buộc bụng, sử dụng các sản phẩm khô; ngoài ra việc bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm khô cũng thuận lợi hơn các sản phẩm tươi, giúp giá bán phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn.

VASEP đánh giá, trong hoàn cảnh lạm phát, người tiêu dùng đang thay đổi thói quen chuyển từ tiêu dùng sản phẩm tươi sống sang dùng thực phẩm khô và đóng hộp. Nhiều nhà phân phối trên thế giới đang chú trọng cung cấp cá đã cắt khúc, ướp sẵn gia vị, chế biến ăn liền hoặc đóng gói sẵn kèm gia vị và hướng dẫn chế biến.

Sản phẩm thủy sản khô dần trở thành điểm sáng trong xuất khẩu. Ảnh: N.H

Có thể nói, lần đầu tiên, xuất khẩu cá khô, mực khô thu hút sự quan tâm của giới làm nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy sản cũng như người dân, đánh dấu một thời kỳ mới của ngành chế biến, xuất khẩu cá khô.

Tiềm năng lớn

Việt Nam có truyền thống chế biến tiêu thụ cá khô mực khô hàng nghìn năm. Ngư dân, người nuôi trồng đánh bắt xem việc chế biến khô là cách bảo quản sản phẩm tốt và làm tăng thêm hương vị cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sản phẩm khô gặp nhiều khó khăn vì thị trường và thương hiệu.

Còn nhớ cách đây vài năm, khi thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, hơn 1.000 tấn cá nục và cá cơm khô của người dân huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị không tiêu thụ được. Đa số người dân sấy cá khô rồi bán cho thương lái thu gom xuất khẩu sang Trung Quốc, nên địa phương không có các nhà máy chế biến và không xây dựng thương hiệu, vì vậy tiêu thụ nội địa, hoặc xuất khẩu các thị trường khác là rất khó khăn.

Người dân Quảng Ngãi hiện cũng thu hoạch xuất khẩu cá cơm khô, có lợi nhuận tốt.  Riêng xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi đã có hàng chục cơ sở sản xuất cá cơm khô quy mô 10 – 20 lao động. Tuy nhiên, người dân cho biết việc xây dựng thương hiệu cá cơm khô còn gặp nhiều khó khăn, do chủ yếu cá cơm được sử dụng làm nước mắm và cá cơm thu hoạch theo mùa nên khá khan hiếm.

Ước tính sản lượng cá cơm khai thác trung bình hàng năm 20.000 – 22.000 tấn và riêng việc dùng cá cơm làm nguyên liệu để sản xuất nước mắm cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 50 – 60% nhu cầu, phải sử dụng các nguyên liệu thủy sản khác để làm nước mắm. Do vậy, xuất khẩu cá cơm khô còn nhiều nan giải. Tuy vậy, ngoài cá cơm, ngư dân còn khai thác và phơi sấy khô nhiều sản phẩm khác như cá ngân, cá ngừ sọc dưa, cá đổng, cá chù, mực, tôm… Nên việc chế biến xuất khẩu sản phẩm khô vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

Một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá cơm khô ở Phú Yên cho hay, trước đây đơn vị hay xuất khẩu tôm nhưng cạnh tranh không lại với các nước, thua lỗ nên chuyển sang mặt hàng cá cơm khô. Đại diện doanh nghiệp thông tin, ban đầu, các nhà nhập khẩu cá cơm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan mua cá cơm khô thành phẩm về chế biến, đóng gói và gắn nhãn mác của họ để tiêu thụ, hoặc xuất qua nước thứ ba là Mỹ. Đầu năm đến giờ, xu hướng tiêu dùng thay đổi, quan sát thấy đơn hàng nhiều hơn vì các nước tăng chế biến đồ hộp, cá khô trong hộp. Doanh nghiệp tự chế biến và xuất khẩu, có lợi và mang giá trị rất cao.

Xây dựng thương hiệu cá khô, tôm khô

 Nhiều tỉnh thành hiện đã có “thương hiệu” cá khô của riêng mình. “Cá khô bổi U Minh” là sản phẩm nổi tiếng. Sản phẩm này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, đang hướng đến đạt chuẩn OCOP 4 sao. Cá bổi được nuôi thâm canh nhiều ở 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Cá sặc bổi (sặc rằn) làm khô ăn ngon nên đã được xem làm đặc sản của Cà Mau. Nhờ có nhãn hiệu tập thể, sản phẩm cá khô của Cà Mau hiện tiêu thụ rất tốt. Tỉnh cũng xây dựng sàn giao dịch điện tử để đưa sản phẩm cá khô Cà Mau vươn xa. Từ khi có nhãn hiệu tập thể, tiêu thụ cá khô của Cà Mau tăng 300 đến 400%.

Sản xuất tiêu thụ tôm khô tại Cà Mau cũng phát triển rất nhanh. UBND tỉnh đã quy hoạch xây dựng 12 làng nghề làm tôm khô với trên 2.700 lao động, tập trung chủ yếu ở các thị trấn ven biển như Sông Đốc, Khánh Hội, Năm Căn, Ngọc Hiển… Tổng sản lượng tôm Cà Mau hàng năm khoảng 17.000 tấn/năm; trong đó, tôm để chế biến tôm khô đạt khoảng 3.000 – 4.500 tấn/năm. Sản phẩm tôm khô Rạch Gốc đã được Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí là “Sản phẩm Nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam”. Các cơ sở sản xuất tôm khô Cà Mau hiện đã mở rộng quy mô, đầu tư lò sấy, máy bóc vỏ, máy phân cỡ, máy sàn… nên sản phẩm được đánh giá cao.  Vì vậy, số lượng, chất lượng tôm khô thành phẩm được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Có huyện, sản phẩm để sản xuất tôm khô đã chiếm tới 20% tổng sản lượng tôm nuôi trồng.

Tuy nhiên, theo các ngư dân và doanh nghiệp, hiện tại thị trường xuất khẩu tôm, mực khô của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nước khu vực châu Á. Người nuôi trồng, chế biến hy vọng sản phẩm tôm khô, mực khô, cá khô nổi tiếng của Việt Nam sẽ vươn xa tới nhiều thị trường khắp các châu lục trong thời gian tới.

>> Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP chia sẻ, diễn biến xuất khẩu sản phẩm cá khô của Việt Nam đã cho thấy, rõ ràng là trong môi trường lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi mà giá cả chi phối hành vi mua bán của họ. Hiện, sản phẩm tươi/sống đang dần dần bị thay thế bằng hàng khô và đóng hộp. Do vậy, các nhà cung cấp thủy sản bây giờ ngoài áp lực phải điều chỉnh giá sao cho hấp dẫn thì còn phải quan tâm đến gia tăng dịch vụ cho sản phẩm để kích thích nhu cầu. Ví dụ, với sản phẩm cá, nhiều nhà phân phối trên thế giới đang chú trọng cung cấp cá đã cắt khúc, ướp sẵn gia vị, chế biến ăn liền hoặc đóng gói sẵn kèm gia vị và hướng dẫn chế biến…

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!