(TSVN) – Hàng năm, trong khi cả nước nô nức đón Trung thu thì người dân huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh lại long trọng, thành kính tổ chức Lễ hội Nghinh Ông. Đây là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân vùng đất này cũng như của cả vùng Nam bộ.
Giống như nhiều địa phương ven biển nước ta, Nghinh Ông là lễ hội lớn nhất của ngư dân huyện Cần Giờ và được xem như cái Tết cổ truyền thứ hai tại đây. Lễ hội gắn liền với tục thờ cùng cá Ông và cùng với các hoạt động thể hiện tập quán dân gian tín ngưỡng phổ biến và thân thuộc với người dân địa phương.
Bắt đầu Lễ hội sẽ là phần lễ. Khoảng 10 giờ sáng ngày 16/8, các vị trong hội lăng mặc trang phục chỉnh tề làm lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển.
Năm nay đánh dấu 110 năm kỷ niệm Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ và 10 năm lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: NLĐ
Đoàn rước với thuyền rồng rước thủy tướng và hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy tháp tùng sẽ xuất phát tại bến đò Cần Giờ – Vũng Tàu. Dọc theo đường rước, ngư dân và bà con hai bên phố bày lễ vật nghênh đón. Trước mũi ghe là hương án và mâm lễ vật. Đoàn rước đi khoảng hai giờ thì quay về bến nơi xuất phát, rước cá Ông về Lăng Ông thủy tướng. Tại bến, đoàn múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón cá Ông về lăng. Trong lăng lưu giữ bộ hài cốt của cá voi dài 12 m luôn được ngư dân Cần Giờ giữ gìn cẩn thận.
Trải qua hàng lịch sử hàng trăm năm, nhiều khó khăn, biến động, lễ hội Nghinh Ông vẫn được ngư dân Cần Giờ duy trì cho đến ngày nay.
Ở các vùng ven biển, cá Ông hay cá voi là một linh vật, một vị thần linh thiêng, luôn phù trợ người đi biển. Từ truyền thuyết, truyền miệng, tục thờ cá Ông đã trở thành tín ngưỡng phổ của ngư dân, cầu mưa thuận gió hòa, cầu quốc thái dân an, mong cho người đi biển luôn an toàn…
Để tưởng nhớ công ơn cá Ông, người dân Cần Giờ hàng năm làm lễ tế rất trang trọng tại Lăng Ông thủy tướng. Nơi này trước kia có tên gọi là miếu Hải Thần – nơi thờ cúng các vị thần biển của ngư dân. Thời nhà Nguyễn, đây còn là nơi quan lại cúng lễ, cầu mong cho thuyền bè thuận buồm xuôi gió. Từ năm 1816 – 1913, lăng Ông di chuyển đến địa điểm mới do biển xâm lấn và lễ cúng nghinh diễn ra vào ngày rằm tháng 8 hàng năm.
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được khởi nguồn từ năm Quý Sửu 1913, mục đích ban đầu là tổng kết một mùa đánh bắt trên biển của ngư dân và chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới với ước vọng bội thu. Năm 2013, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với những nghi lễ cổ truyền của một cửa biển đầu tiên thời mở cõi nên phong tục thờ cúng cá Ông đã lưu giữ được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống.
Lễ hội Nghinh Ông hay tục thờ cúng cá Ông (tức cá voi) đã được lưu truyền từ lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của ngư dân ven biển huyện Cần Giờ. Đây cũng là lễ hội dân gian duy nhất của TP Hồ Chí Minh tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch. Lễ hội nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển. Thông qua lễ hội, người dân sẽ trân trọng hơn nghề biển, yêu quê hương, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bảo Hân