T2, 06/07/2020 09:53

Nét trầm bổng của thủy sản miền Trung

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước thực trạng nguồn lợi thủy hải sản ngày một suy kiệt, bà con ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung đã mạnh dạn chuyển từ khai thác sang nuôi trồng với các hình thức nuôi phong phú, đa dạng.

Bên cạnh sự nỗ lực của người nuôi, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Nhờ đó, những năm trở lại đây, bên cạnh đánh bắt, hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh ven biển, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở các địa bàn khó khăn ven biển, đầm phá, vùng nông thôn, miền núi. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ở các vùng hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn đổi thay từng ngày.

Loạt bài viết này đề cập đến những thăng trầm của ngành nuôi trồng thủy sản ở khu vực miền Trung trong những năm qua, nêu ra giải pháp để phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, có hiệu quả, sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững, trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu phục vụ nội địa và xuất khẩu…

Nuôi tôm ở thị xã Sông Cầu, Phú Yên – Ảnh: Chinhphu.vn

 

Mười hai năm “vật lộn” với tôm hùm giống, bằng ý chí, sức trẻ và nghị lực vượt khó, từ một hộ nghèo, anh Nguyễn Châu ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã tạo được cơ ngơi vững chắc, lợi nhuận hằng năm được tính bằng tiền tỉ.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề biển, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên con đường học vấn của Châu không thuận lợi như các bạn cùng trang lứa.

Năm 14 tuổi, Châu phải rời khỏi ghế nhà trường và kiếm sống bằng nghề lặn bắt tôm hùm, cho đến năm 17 tuổi anh đã là một thợ lặn tôm có “đẳng cấp”. Gần như không sót một vùng biển nào từ Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên) đến Quy Nhơn (Bình Định) mà anh chưa từng lặn.

Lập gia đình năm 27 tuổi, nhờ tích góp được ít vốn hai vợ chồng Châu bàn nhau chuyển sang ủ tôm hùm giống cung cấp cho thị trường. Anh Châu nhớ lại, hồi đó vét hết số tiền dành dụm được, vay mượn thêm bà con, hai vợ chồng sắm được mấy cái lồng và thả nuôi 500 con tôm hùm giống. Sau một tháng rưỡi cần mẫn chăm sóc, tôm từ bằng đầu cây tăm đã lớn phổng bằng chiếc đũa.

Anh Nguyễn Châu bên cạnh chiếc lòng nuôi tôm hùm giống – Ảnh: Chinhphu.vn

Xuất bán lứa đầu tiên vợ chồng anh lãi gần 30 triệu đồng. Đem số tiền lãi thu được, anh đầu tư tiếp vào lứa sau. Cứ thế số lượng tôm thả nuôi ngày một nhiều lên, số lồng nuôi cũng theo đó mà tăng lên đáng kể. Thời điểm này, nghề nuôi tôm thịt khá phát triển, đồng thời con tôm giống mình ủ cung cấp cho thị trường có chất lượng, ít dịch bệnh nên được nhiều chủ nuôi ưa chuộng. Có lúc hết hàng, anh phải lặn lội hết Bình Định rồi Khánh Hòa để thu mua tôm giống về ủ.

Có nhiều lần vì hết giống, vợ chồng anh Châu lội ra tận vùng biển Đà Nẵng hay Huế mua tôm giống về nuôi. Do vận chuyển đường xa và thay đổi môi trường nước đột ngột nên con giống bị sốc nước chết nhiều, dẫn đến thua lỗ. Không nản chí, mỗi lần vấp ngã là một lần học hỏi được kinh nghiệm, anh vẫn tiếp tục bám nghề và liên tiếp trúng đậm.

Anh Nguyễn Châu cho biết, tôm hùm khi còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên rất nhạy cảm với thời tiết và môi trường. Vì vậy lồng nuôi tôm giống chỉ thả ở độ sâu cách mặt nước khoảng 1,5 m, cho ăn phải vừa đủ không nên quá ít, vì thiếu thức ăn tôm chậm lớn, nhưng cũng không nên để thừa nhiều thức ăn gây ô nhiễm lồng nuôi, môi trường xung quanh sinh ra dịch bệnh. Vào mùa mưa lũ phải thường xuyên theo dõi nguồn nước, nếu thấy nước ngọt về nhiều cần hạ lồng xuống sâu. Mùa này, con giống thường bị bệnh quăn râu. Nếu thấy tôm bị triệu chứng này cần kịp thời ngắt bỏ râu đi để tôm mọc râu khác sẽ hạn chế được thiệt hại.

Ngoài công việc nuôi ủ tôm hùm giống, khi hết mùa nuôi tôm hùm, anh Châu chuyển sang thu mua muối để bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm trong tỉnh và các tỉnh Quy Nhơn, Đà Nẵng… Riêng công việc này mỗi năm cho thu lợi gần 100 triệu đồng.

Hiện vợ chồng anh Châu có tổng cộng 35 lồng nuôi tôm, mỗi lồng thả nuôi hơn 600 con tôm giống. Trung bình mỗi lứa anh thả nuôi khoảng 9.000 con, sau 45 ngày là có thể xuất bán cho những người nuôi tôm hùm thịt ở Phan Rang và Vạn Giã, tỉnh Khánh Hòa. Theo anh Châu, trừ mọi chi phí, thu nhập từ nghề hàng năm khoảng 600 triệu đồng. Vì vậy, gia đình anh có kinh tế khá vững vàng, trở thành vợ chồng tỉ phú trẻ nhất làng.

Bí thư phường Đoàn Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, Phú Yên Nguyễn Ngọc Hòa nhận xét: “Anh Châu không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Cùng với làm kinh tế giỏi, anh còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và đóng góp kinh phí mỗi khi phường Đoàn tổ chức các hoạt động. Đây là tấm gương trẻ tiêu biểu đáng được các đoàn viên thanh niên học tập làm theo”.

Thế Lực

Theo Website Chính Phủ VN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!