(TSVN) – Bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (Translucent Post-Larva Disease – TPD) xuất hiện từ tháng 3/2020 tại Trung Quốc, đến nay, bệnh vẫn chưa có biện pháp điều trị. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
Theo ZouY và cộng sự (2020), nguyên nhân gây bệnh được xác định là loài vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (Vp-JS20200428004-2), chủng Vibrio parahaemolyticus. Tuy nhiên, loài Vibrio parahaemolyticus gây bệnh TPD khác với loài Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính đã được công bố trước đây.
Tôm bệnh TPD (biểu thị bằng các mũi tên màu trắng) với gan tụy bất thường và hoại tử đường tiêu hóa. Ảnh: VPAS
Bệnh xảy ra trên tôm thẻ chân trắng (TTCT) giai đoạn hậu ấu trùng (PL), xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc), từ tháng 3/2020. Sau đó vào tháng 4 năm 2020 bệnh mới này bắt đầu lây lan sang các vùng nuôi tôm chính ở phía Bắc Trung Quốc thông qua vận chuyển hậu ấu trùng tôm.
TTCT giai đoạn ấu trùng từ 4 đến 7 ngày tuổi (PL4 – PL7) có khả năng bị nhiễm bệnh cao với mức độ nặng. Thông thường, tỷ lệ mắc bệnh của đàn có thể lên đến 60% vào ngày thứ hai (sau lần đầu tiên quan sát thấy những cá thể bất thường). Trường hợp bệnh ởmứcđộnặng,tỷlệnàycóthểlênđến90- 100% vào ngày thứ 3.
Tôm nhiễm bệnh TPD thường xuất hiện các triệu chứng như: gan tụy trở nên nhợt nhạt hoặc không màu, đường tiêu hóa trống rỗng, làm cho cơ thể trở nên trong suốt và mờ đi. Ấu trùng bị giảm khả năng bơi lội nên có số lượng lớn các cá thể bị chìm xuống đáy bể nuôi.
Hiện nay, bệnh TPD vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số người nuôi tôm ở Trung Quốc cho thấy, việc xử lý nước trong bể nuôi bằng chất diệt khuẩn có thể làm giảm nguy cơ cũng như mức độ của bệnh.
Để đề phòng bệnh xuất hiện và lây lan, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống cần phải xây dựng và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học; kiểm soát tốt các đường lây của các mầm bệnh từ vi khuẩn như:
– Thực hiện quy trình rửa Nauplius đúng cách trước khi đưa vào bể ương dưỡng;
– Có thể sử dụng các vi sinh vật có lợi có khả năng ức chế sự phát triển của V. parahaemolyticus để bổ sung vào thức ăn hoặc nước nuôi để cải thiện sức khỏe và khả năng miễn dịch của tôm giống;
– Phải kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ và tôm giống;
– Thực hiện nghiêm quy trình khử trùng, diệt khuẩn nước trước khi đưa vào sử dụng; đối với công cụ, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, người ra vào trại phải có quy trình vệ sinh, khử trùng tiêu độc, đảm bảo hiệu quả khử trùng (bảo hộ, hố khử trùng, khử trùng định kỳ…);
– Bên cạnh đó, trước khi nhập khẩu tôm giống, tôm bố mẹ từ Trung Quốc cần phải lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo tôm không bị bệnh mới nhập khẩu vào Việt Nam; mua tôm giống từ những cơ sở uy tín hoặc đã được xét nghiệm âm tính với các bệnh khác theo quy định về kiểm dịch động vật thủy sản.
Đối với các cơ sở nuôi thương phẩm, cần có các biện pháp quản lý tốt ao nuôi từ khâu cải tạo, chọn lựa con giống chất lượng thả nuôi và quản lý tốt môi trường ao nuôi để phòng bệnh, như: Chọn con giống khỏe mạnh, đã được kiểm dịch đảm bảo không nhiễm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm đặc biệt là không nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus để thả nuôi; Lấy nước qua hệ thống túi lọc để loại bỏ một số loài vật chủ trung gian truyền bệnh cũng như ngăn chặn các loài thủy sản khác xâm nhập vào ao nuôi; Trong quá trình nuôi cần thường xuyên theo dõi và quản lý sức khỏe tôm nuôi, đo, kiểm tra các thông số môi trường nước ao nuôi để phát hiện và xử lý kịp thời những bất thường xảy ra, đồng thời áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học.
Diệu Châu