Nga: Các công ty thủy sản tìm hướng giải quyết các lệnh trừng phạt của phương Tây

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế, xuất khẩu thủy sản của Nga vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước trong 7 tháng đầu năm 2022 cả về giá trị và khối lượng.

Tiếp tục tăng trưởng

Trong nửa đầu năm 2022, Nga đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn thủy sản, trị giá 2,9 tỷ USD, tăng 18% về khối lượng và 21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, Cơ quan Thủy sản Liên bang Nga cho biết. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản Nga tăng 24,2% về khối lượng, đạt 1,12 triệu tấn, tăng 20,6% về giá trị, đạt 3,1 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Nga là Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Nigeria và Nhật Bản. Phần lớn cua Nga được đánh bắt ở vùng Viễn Đông hiện được chuyển qua Busan (Hàn Quốc), tuân theo các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm đáp trả xung đột tại Ukraine.

“Chúng tôi đang hoàn thiện thị trường nội địa trong năm 2022 và sẽ phát triển thị trường xuất khẩu của mình. Bất chấp các lệnh trừng phạt của một số quốc gia, Nga vẫn tiếp tục hoạt động giao thương thủy sản. Năm 2021, Nga đã xuất khẩu sang 58 quốc gia, năm nay thậm chí đạt 60 quốc gia. Chúng tôi đang thực hiện có trách nhiệm các nghĩa vụ của mình và dựa trên các cuộc đối thoại bình đẳng về quyền”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev phát biểu tại Diễn đàn Thủy sản Toàn cầu lần thứ V vào cuối tháng 9/2022.

Người đứng đầu Cơ quan Thủy sản Liên bang Nga Ilya Shestakov đã thừa nhận rằng nước này vẫn gặp “khó khăn nhất định trong một số phân khúc xuất khẩu và các vấn đề về logistics, đặc biệt là ở lưu vực thủy sản phía Bắc – nơi thủy sản không đủ đội xe vận chuyển lạnh”. Ông cũng cho biết trong khi thị trường Mỹ hiện đã chính thức đóng cửa đối với thủy sản Nga thì các thị trường khác vẫn mở. 

Tìm thị trường mới

Chính phủ Nga đã khởi xướng nỗ lực giúp ngành thủy sản phát triển thị trường mới vào năm 2021, sau khi thị trường Trung Quốc đột ngột sụt giảm do đại dịch COVID-19 trong hơn một năm. Giữa cuộc khủng hoảng COVID-19 và các lệnh trừng phạt thương mại, các doanh nghiệp Nga đã tích cực tìm kiếm các thị trường thay thế, đồng thời cũng thúc đẩy cải thiện và gia tăng hoạt động chế biến và phục vụ giá trị gia tăng của ngành đối với thị trường nội địa của Nga.

thủy sản Nga

Các doanh nghiệp thủy sản Nga đã tìm kiếm nhiều thị trường thay thế sau khi có các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Rusfishexpo

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Sergey Levin, những chiến lược này đang phát huy tác dụng. Doanh số bán hàng thủy sản của Nga sang Hàn Quốc tăng 35% vào năm 2021 so với năm 2020, trong khi đó, xuất khẩu sang Hà Lan tăng 70%, sang Nhật Bản tăng 260%.

Cùng với việc tăng cường tập trung vào các thị trường mới, việc mở cửa trở lại thị trường Trung Quốc đã giúp thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu thủy sản của Nga. Ông Levin cho biết, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã tăng 67% về khối lượng và 50% về giá trị trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Ông cũng cho biết thêm Nga đang hướng tới Brazil, Qatar và Nigeria, đồng thời hy vọng đưa các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trở thành trung tâm buôn bán thủy sản của Nga tới Kuwait, Brunei, Bahrain và Ả Rập Saudi.

Điều quan trọng đối với các thương nhân Nga là lệnh cấm của Mỹ đối với thủy sản Nga cho đến nay không ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu cá minh thái, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này tính theo khối lượng. Ông Alexey Buglak, Chủ tịch Hiệp hội những người đánh bắt cá minh thái, cho biết các công ty thủy sản Nga đã xuất khẩu chưa đến 1.000 tấn cá minh thái và fillet đông lạnh vào thị trường Mỹ trong năm ngoái.

Các công ty thủy sản của Nga cũng đang tìm kiếm thị trường mới cho các loài khác. Ông Azamat Yusupov, Phó Chủ tịch Antey Group, cho biết Công ty của ông hiện đang xuất khẩu cua đến UAE cùng với các quốc gia tiềm năng khác như Malaysia, Singapore, Qatar và Thái Lan. Và ông cũng đang có kế hoạch bắt đầu xuất khẩu cua từ biển Barents sang Trung Quốc.

Theo ông Sergey Sennikov – Phó Giám đốc điều hành của Norebo, Tập đoàn của ông cũng đã bắt đầu khám phá các thị trường khác nhau cho toàn bộ dòng sản phẩm của mình, bao gồm cả các sản phẩm ăn liền.

Còn lại các công ty khác vẫn đang tập trung vào Trung Quốc. “Kế hoạch A đối với chúng tôi là Trung Quốc. Kế hoạch B là Trung Quốc. Và, tôi nghĩ, kế hoạch C cũng sẽ là Trung Quốc”, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Savely Karpukhin của Công ty Thủy sản Nga (RFC) cho biết trong Diễn đàn Thủy sản Toàn cầu lần thứ V.

RFC gần đây đã xuất khẩu gần 1.000 tấn cá minh thái tới Brazil, nhưng nhận thấy người tiêu dùng ở đây rất nhạy cảm về giá cả. “Cạnh tranh về giá không phải là thế mạnh của chúng tôi”, ông Karpukhin nói.

RFC chủ yếu tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm chất lượng cao hơn, dễ bán hơn trên thị trường. Ông cho biết RFC đã thành công trong việc bán surimi ở Trung Quốc, một sản phẩm có giá trị gia tăng mà công ty sản xuất trên các máy đánh cá hiện đại mới của mình.

Trong khi nhiều công ty thủy sản của Nga đang có kết quả tốt hơn mong đợi bất chấp tình hình địa chính trị hiện tại thì lại có một số dấu hiệu cho thấy xu hướng này đang “đảo chiều”.

Cơ quan Giám sát Thú y và Kiểm dịch Liên bang Nga (Rosselkhoznadzor) báo cáo rằng xuất khẩu thủy sản từ vùng Murmansk – một khu vực sản xuất chính của lưu vực Nghề cá phía Bắc, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 121.000 tấn, theo Portnews đưa tin. Tại các khu vực Primorye và Sakhalin ở Viễn Đông của Nga, lượng xuất khẩu trong tháng 8/2022 giảm 2,7% xuống còn 814.000 tấn.

Mặc dù sự sụt giảm của Murmansk có thể liên quan đến lệnh cấm của Mỹ đối với cua Nga, nhưng vẫn chưa rõ lý do tại sao xuất khẩu từ Primorye và Sakhalin lại giảm. Xuất khẩu thủy sản của Nga có vẻ sẽ khả quan trong năm 2022, nhưng tình hình giữa các khu vực và phân khúc đang trở nên không đồng đều do tác động của những thay đổi về tình trạng thương mại và các biến động kinh tế, bao gồm cả lạm phát ở nhiều nơi trên thế giới.

Anh Anh

(Theo Seafoodsource)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!