Nga: Cua tuyết và cua huỳnh đế tiến sang châu Á

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Lệnh cấm của Mỹ đối với cua và hải sản nhập khẩu từ Nga đã chính thức có hiệu lực. Thị trường này sẽ diễn biến ra sao là câu hỏi mà nhiều người quan tâm khi Nga nắm trong tay 95% hạn ngạch cua huỳnh đế của thế giới và 30% hạn ngạch cua tuyết Opilio trong khi Mỹ vẫn chưa tìm được nguồn cung thay thế.

Lệnh cấm đã để lại những hậu quả to lớn và khó lường đối với ngành thuỷ sản Mỹ.  Cua Nga có mặt tại Mỹ vào những đầu thập niên 80 và ngày càng chiếm lĩnh thị phần dưới sự hỗ trợ của các hãng sản xuất tại Alaska; được bán và tiếp thị bởi các công ty nhập khẩu và kinh doanh thuỷ sản tại Mỹ. Những năm gần đây, nguồn cung cua Alaska sụt giảm nên cua Nga trở thành mặt hàng quan trọng hơn tại thị trường Mỹ. Toàn bộ chuỗi phân phối sẽ bị ảnh hưởng khi thị trường thuỷ sản mất đi một lượng cua trị giá hơn 1 tỷ USD.

Hiện, lượng cua dự trữ của Mỹ vẫn còn nên các công ty nhập khẩu có thể cầm cự trong một thời gian nữa. Nhập khẩu cua huỳnh đế từ Nga đến tháng 5/2022 đạt 19,3 triệu pound, tương đương 68% tổng lượng nhập khẩu của cả năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu cua tuyết chỉ chiếm 10% tổng khối lượng nhập khẩu năm ngoái, đạt 4,4 triệu pound. Các hãng nhập khẩu và kinh doanh cua tuyết hiện đang tìm cách quay vòng vốn nhanh để phát triển và mở rộng sản phẩm hiện có cùng mặt hàng mới. Các hãng sản xuất cua Nga cũng đã chuyển hướng và đang tiến tới mở rộng thị trường cua tại châu Á và châu Âu bởi nguồn cung cua có giới hạn và đối tượng người tiêu dùng rộng khắp thế giới. 

Theo số liệu mới đây của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA),  nhập khẩu cua Canada vào Mỹ trong tháng 5/2022 tăng 110% so mức 25,7 triệu pound trong tháng 4/2022. Nhu cầu nhìn chung vẫn kém hơn năm ngoái và giá cua giảm hơn 50% tuỳ loại. Cua tuyết Canada đã được mặc định sẽ là nguồn hàng chính cho thị trường Mỹ trong thời gian còn lại của năm.  

Khai thác cua tuyết Opilio biển Bering. Ảnh: ASMI/Chris Miller

Nga

Nga hiện nắm 94% hạn ngạch cua huỳnh đế đỏ, 100% cua huỳnh đế xanh của thế giới và cùng Alaska mỗi bên chiếm một nửa hạn ngạch cua huỳnh đế vàng. Nga cũng sản xuất hơn 30% cua tuyết Opilio và 100 cua tuyết nước sâu cho thị trường toàn cầu. 

Các phiên đấu giá và giao dịch cua tuyết Opilio đã diễn ra thuận lợi trong hơn 2 tháng qua tại châu Á mặc dù giá cua thấp hơn năm ngoái. Trong tháng 6/2022, đã có hơn 300 tấn cua được bán ra với giá trung bình 18,8 USD/kg. Trong tuần đầu tháng 7, hơn 300 tấn nữa được bán đấu giá với mức trung bình 18,84 USD/kg. 

Các nguồn cung cua tuyết Nga đã tìm được thị trường mới tại châu Á để thay thế Mỹ. Thị trường cua tuyết sống, đông lạnh tại Trung Quốc và Hàn Quốc diễn biến tích cực với doanh số tốt trong nửa đầu năm 2022 và khu vực châu Á còn nhiều dư địa phát triển cùng với EU. 

Các đội tàu Nga vẫn đang nỗ lực khai thác hết công suất để phục vụ thị trường cua tươi sống tại châu Á. Tính đến 26/6, số lượng hãng chế biến cua biển tại vùng Viễn Đông đã tăng lên 74. Trong đó có 12 tàu khai thác cua huỳnh đế xanh cung cấp cho thị trường cua tươi sống; 1 tàu khai thác cua huỳnh đế đỏ Ayan; 10 tàu khai thác cua tuyết Opilio để xuất khẩu sang Trung Quốc và Hàn Quốc… Phần lớn cua tuyết nước sâu được xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc Hàn Quốc để chế biến thành thịt cua. 

Đầu tháng 7/2022, Nga đã xuất khẩu 711 tấn cua sống sang Hàn Quốc và Trung Quốc; trong đó có 430 tấn cua tuyết Opilio, 217 tấn cua huỳnh đế xanh và 26 tấn cua huỳnh đế vàng. Hạn ngạch khai thác cua tuyết biển Barents cho năm 2022 là 16.885 tấn nhưng đã sử dụng hết. Vụ khai thác cua huỳnh đế đỏ dự kiến mở cửa vào tháng 9 tới với hạn ngạch 12.690 tấn. 

Na Uy

Hạn ngạch khai thác cua huỳnh đế đỏ năm 2022 là 1.845 tấn, cua tuyết là 6.725 tấn. Khối lượng xuất khẩu cua huỳnh đế của Na Uy trong nửa đầu năm nay giảm 46%, đạt 609 tấn, trị giá 388 triệu NOK. Giá trị xuất khẩu chỉ giảm 8% nhờ giá cua tăng cao hơn. Mỹ, Hà Lan và Hàn Quốc là những thị trường tiêu thụ lớn nhất của Na Uy trong nửa đầu năm nay. 

Xuất khẩu cua huỳnh đế tươi sống của Na Uy sang Mỹ tăng 166% với nhu cầu tiêu thụ mạnh trong lĩnh vực nhà hàng. Tuy nhiên, tiêu thụ cua huỳnh đế đông lạnh tại 2 thị trường chính Nhật Bản và Mỹ lại đi xuống. Tháng 6 cũng diễn biến tương tự với khối lượng cua xuất khẩu giảm 54% xuống 95 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu cua trong tháng 6/2022 cũng giảm 23% so cùng kỳ năm ngoái do thị trường đi suy yếu. Xuất khẩu cua tuyết nửa đầu năm đạt 3000 tấn, trị giá 548 triệu NOK, giảm 14% về khối lượng với thị trường tiêu thụ lớn nhất là Đan Mạch, Nhật Bản và Mỹ. 

Theo bà Josephine Vera, Giám đốc mảng nhuyễn thể tại Hội đồng thuỷ sản Na Uy (NSC), trong năm 2022, thị trường cua chứng kiến nhu cầu tiêu thụ đi xuống, lượng hàng tồn kho cao hơn năm ngoái, hạn ngạch khai thác của Canada tăng nhưng khối lượng và trị giá xuất khẩu lần lượt giảm 66% và 67%. 

Alaska 

Hạn ngạch khai thác cua tuyết Opilio của Alaska từ 45 triệu tấn vào năm ngoái xuống 5,6 triệu tấn trong năm 2022 và cũng đã được sử dụng hết. Trong vụ tiếp theo, Alaska sẽ khai thác cua huỳnh đế vàng đảo Aleutia với hạn ngạch 2.088 tấn, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8/2022 và kéo dài đến cuối tháng 4 năm sau. Đông Nam Alaska có một lượng nhỏ cua huỳnh đế vàng vào mùa đông với sản lương khai thác năm ngoái khoảng 157.000 pound. 

Canada

Sản lượng cua tuyết 2022 của Canada tăng 33%, đạt 190 triệu pound. Hạn ngạch khai thác cao hơn nhưng kích cỡ trung bình của cua lại nhỏ hơn mùa trước. Tính đến 1/7, vùng Vịnh và Newfoundland đã khai thác gần hết hạn ngạch, lần lượt đạt các mức 97% và 89%. Ngư trường vùng Vịnh đã đóng cửa vào ngày 30/6 và gia hạn thêm 1 tuần tại ngư trường 3P, dự kiến năng suất cua sẽ tăng thêm 100 triệu pound. 

Hạn ngạch khai thác cua của Canada cao hơn và thị trường thế giới biến động đặt ra một thách thức lớn đối với các hãng sản xuất cua trong năm nay. Dữ liệu nhập khẩu của Mỹ trong 5 năm qua cho thấy cua tuyết Canada gần như chiếm lĩnh thị trường Mỹ và doanh số bán hàng cao ngất ngưởng vào mùa thu và mùa hè. Sau khoảng thời gian này, lượng cua từ Canada giảm dần và nhường chỗ cho cua tuyết của Nga. Năm nay, nhập khẩu cua Nga giảm 90% và Mỹ đã chính thức cấm nhập khẩu hải sản Nga. Tuy nhiên, thị trường cua 2022 đang diễn biến bất thường do lạm phát, lãi suất tăng cao và người tiêu dùng đang có những sự lựa chọn khác nhau. 

Giá cua tuyết Canada năm 2021 cao kỷ lục suốt mùa xuân và mùa hè với mức trung bình 13,45 USD/pound trong khi giá trung bình năm trước đó chỉ 7,58 USD/pound. Giá các loại cua cỡ 5-8 oz trên Urner Barry đã giảm 50% so đầu năm còn giá cua cỡ lớn hơn giảm trên 30%. Cua tuyết Canada thường nổi tiếng về chất lượng và thường được tiêu thụ trong các chuỗi dịch vụ ẩm thực và nhà hàng. Tuy nhiên, trước các thách thức kinh tế và lạm phát tại Mỹ hiện nay, giá cua tuyết sẽ hạ xuống mức thấp hơn dự kiến.

Dũng Nguyên

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!