(TSVN) – Ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) của Nga đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong lịch sử do xung đột đang diễn ra giữa Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt ngày càng thắt chặt đối với quốc gia này đã dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn, cá giống và thiết bị nuôi.
Theo Hiệp hội NTTS Nga (Rosrybkhoz), sản lượng NTTS nước này tăng 8,3%, đạt 253.200 tấn vào năm 2021, với cá hồi chiếm 45%, cá chép 18%, cá tầm 7% và còn lại là các loài như hàu, hến và cá da trơn. Tuy nhiên, dự kiến những con số này sẽ thấp hơn đáng kể trong năm nay. Bộ Nông nghiệp Nga dự kiến mức giảm ít nhất 15 – 20% do ngành này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Những người nuôi cá hồi của Nga đang phải đối mặt với những vấn đề lớn nhất khi trước đây chủ yếu họ đều nhập trứng từ các công ty nước ngoài như AquaSearch, Aqualande và Merke. Theo ước tính của Rosrybkhoz, khối lượng nhập khẩu hàng năm là hơn 100 triệu con. Hiện này, trứng cá hồi không còn được nhập khẩu vào Nga, trong khi các trang trại nuôi cá địa phương đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.
Ngoài ra, vấn đề lớn khác là thức ăn cho cá. Trước đó, hầu hết các trang trại nuôi cá ở Nga đều sử dụng thức ăn nhập khẩu. Sau ngày 24/2, các công ty thức ăn chăn nuôi nước ngoài như BioMar, Skretting và Raisio đã rút khỏi thị trường Nga, còn một số công ty còn lại trên thị trường thì đã tăng giá.
Trang trại cá hồi Inarctica của Nga. Ảnh: TFS
Trong khi tình hình đã trở nên ổn định hơn kể từ tháng 4, theo tính toán của Rosrybkhoz và một số nhà phân tích NTTS độc lập của Nga, giá thức ăn cho cá đã tăng từ 40 – 60%. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu tăng mạnh: Giá bột cá tăng 40 – 67%, axit amin tăng 60 – 270% và vitamin tăng 100%. Do đó, nhiều trang trại nuôi cá của Nga đã buộc phải cắt giảm đáng kể chi phí đầu vào, đặc biệt là thức ăn trong năm nay, đồng thời kêu gọi nhà nước hỗ trợ.
Để ổn định thị trường, Chính phủ Nga hiện đang tìm kiếm các nhà đầu tư, những người có thể cung cấp vốn để xây dựng các nhà máy thức ăn thủy sản trong nước, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp chưa sẵn sàng tham gia vào dự án do rủi ro đối với nền kinh tế Nga hiện nay.
Nông dân cũng bị hạn chế trong việc lựa chọn nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ các nước khác, vì thức ăn chăn nuôi từ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, theo nông dân Nga, có chứa các sinh vật biến đổi gen (GMO), bị luật pháp Nga nghiêm cấm.
Việc tăng nguồn cung cấp thức ăn cho cá và các thành phần bổ sung từ Trung Quốc cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, do các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với Nga, nhiều nhà cung cấp Trung Quốc chưa sẵn sàng hợp tác hoặc sẽ cung cấp sản phẩm với giá cao hơn đáng kể so với giá thị trường.
Tổng khối lượng nhập khẩu thức ăn cho cá của Nga, theo Rosrybkhoz, trước ngày 24/2/2022 là 130.000 tấn mỗi năm, với phần lớn nhập khẩu được cung cấp từ Tây Ban Nha và Hà Lan. Đồng thời, hầu hết trứng và cá con cho ngành cá hồi được cung cấp từ Ba Lan, Pháp và thậm chí từ Mỹ. Hiện nay các nguồn cung này đều đang bị đình chỉ.
Người NTTS Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu bột cá trầm trọng. Ảnh: IFFO
Ông Alexey Blinovsky, Quản lý cấp cao và người sáng lập Aquaculture LLC, một trong những nhà sản xuất cá hồi lớn nhất của Nga, cho biết năm nay các nhà sản xuất NTTS trong nước đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các thành phần thức ăn cho cá trong công thức của mình. Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước không thể thay thế khối lượng này, đồng thời gặp khó khăn về việc thiếu bột cá chất lượng cao trên thị trường – thành phần chính của thức ăn cho cá hồi hoặc cá tầm.
Ông Ilya Shestakov, người đứng đầu Cơ quan Thủy sản Liên bang Nga (Rosrybolovstvo) giải thích, bột cá chất lượng cao ở Nga hiện chỉ được sản xuất bởi các doanh nghiệp hoạt động theo hạn ngạch đầu tư (một cơ chế trong ngành thủy sản của Nga, liên quan đến việc cung cấp hạn ngạch cá cho ngư dân và nhà chế biến để đổi lấy việc xây dựng nhà máy chế biến và tàu đánh cá), tuy nhiên số lượng của chúng hiện không đáng kể.
Theo ông Alexander Malashenko, người đứng đầu Bộ phận Khoa học và NTTS của Rosrybolovstvo, ngày nay các nhà máy này chỉ hoạt động để xuất khẩu. Tuy nhiên, nhà nước có kế hoạch chuyển hướng nguồn cung sang thị trường Nga và đang xem xét các lựa chọn như giới hạn xuất khẩu.
Một vấn đề khác là chất lượng thức ăn cho cá của Nga và các thành phần của nó vẫn kém hơn đáng kể so với nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng đến cả tốc độ tăng trưởng của cá và chi phí sản xuất vì cần phải cho cá ăn gấp đôi lượng thức ăn để có được cùng một lượng sinh khối.
Trong khi Bộ Nông nghiệp Nga và Cơ quan Thủy sản Liên bang công bố kế hoạch trợ cấp cho việc hiện đại hóa và xây dựng các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi ở Nga, đại diện của các doanh nghiệp địa phương coi các biện pháp đó là muộn màng và cho rằng phải mất ít nhất 2,5 – 3 năm để xây dựng và đưa vào hoạt động một nhà máy hiện đại để sản xuất thức ăn cho cá dạng đùn.
Rosrybkhoz cũng lo ngại nghiêm trọng về các vấn đề có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp NTTS khi tiếp cận các khoản vay, vì hầu hết các ngân hàng đã thắt chặt đáng kể các điều kiện cung cấp khoản vay cho ngành trong những tháng gần đây.
Tình hình cũng trở nên phức tạp do nhiều nông dân nuôi cá lành nghề đã rời khỏi Nga sau khi có thông báo huy động lao động trong nước, để lại sự thiếu hụt nhân lực lành nghề trong lĩnh vực NTTS của Nga. Hơn nữa, nguồn cung cấp các thiết bị cho việc xây dựng các trang trại nuôi cá hầu hết đều có nguồn gốc từ nước ngoài và hiện không thể tiếp cận được. Tuy nhiên, trong khi hầu hết các vấn đề này, lệnh cấm nhập khẩu trứng cá hồi và cá hồi giống, theo các nhà phân tích Nga, sẽ có tác động thảm khốc nhất đối với ngành này.
Các biện pháp trừng phạt cũng có tác động nghiêm trọng đối với các trang trại chuyên nuôi hàu, vẹm và tôm – hầu hết (khoảng 90 trang trại) nằm ở Crimea, vì việc nhập khẩu con giống từ EU đã bị cấm. Điều này có thể có tác động nghiêm trọng đối với khoảng 170 tấn tôm, 1.300 – 1.500 tấn hàu và trai mỗi năm.
Bà Maria Litovko, Phó Thống đốc Chính phủ Sevastopol đã giải thích nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt, hầu hết các đối tác Pháp của các nhà sản xuất NTTS Crimea buộc phải ngừng cung cấp con non. Theo bà, về vấn đề này, những người NTTS ở Sevastopol sẽ phải tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu của Nga để thành lập các trung tâm chọn lọc và nhân giống, cũng như các trại ương giống riêng.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia trong nước đều nghi ngờ nghiêm trọng về triển vọng của các kế hoạch này do thời gian hoàn vốn của các dự án này kéo dài và nhu cầu cung cấp hỗ trợ lớn từ nhà nước.
Các nhà phân tích cũng dự đoán, do các lệnh trừng phạt, giá của hầu hết các loại cá nuôi ở Nga sẽ tăng 20 – 50% tùy theo loài so với năm 2021.
Hải Phong
Theo Thefishsite