(TSVN) – Trong nuôi trồng thủy sản, tỷ lệ cá bị vẹo cột sống vẫn chiếm tỷ lệ khá cao (từ 8 – 10%) trên tổng sản lượng cá xuất bán, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.
Yếu tố di truyền: Ở một số loài cá nước ngọt không có nguồn gen lớn, giao phối cận huyết thường tạo ra cá con bị dị tật cột sống. Hoặc cũng có trường hợp trong khâu tuyển chọn bầy cá hậu bị làm cá bố mẹ; bỏ qua giai đoạn nuôi vỗ hoặc nuôi vỗ không đúng kỹ thuật; chăm sóc cá hậu bị, cá bố mẹ, không tốt. Người nuôi ít quan tâm yếu tố dinh dưỡng trong từng giai đoạn; chất lượng môi trường nuôi dưỡng không đảm bảo, thông số môi trường luôn biến động… Ngoài ra, chứng vẹo cột sống có thể di truyền theo thế hệ. Trên thực tế, 90% cá bột sẽ di truyền bệnh từ cá cái bị vẹo cột sống. Tương tự, một yếu tố khác có thể gây ra chứng vẹo cột sống cho cá là cho phép cá bị cong vẹo cột sống sinh sản.
Dinh dưỡng: Nguyên nhân được quan tâm nhiều nhất là yếu tố dinh dưỡng hay thức ăn cho cá. Nuôi thâm canh các loài cá, người nuôi sử dụng ≥ 90% thức ăn công nghiệp, thức ăn tự chế biến chủ yếu sử dụng giai đoạn cá bột, cá hương. Mặc dù trong công thức sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá nuôi nước ngọt, các công ty đã tính toán đầy đủ thành phần, tỷ lệ hợp lý các nguyên liệu khi phối trộn, để các loài cá nuôi sử dụng đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng, đủ chất, phù hợp với đặc tính sinh học mỗi loài, đáp ứng tối đa nhu cầu cho quá trình phát triển. Tuy nhiên, do công nghệ sản xuất, chất lượng nguyên liệu, tỷ lệ thay thế đạm động vật bằng đạm thực vật… khiến khẩu phần ăn của cá bị thiếu đạm, thiếu khoáng chất và vitamin đặc biệt là Vitamin C.
Cá bị bệnh: Một nguyên nhân nữa là cá bị bệnh trong suốt quá trình nuôi. Điển hình như bệnh lao cá. Bệnh lao cá là một bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều loại cá nước ngọt. Bệnh là tên gọi chung của một loài cá bị nhiễm vi khuẩn Mycobacterium spp.. Lao cá là một bệnh rất dễ lây, có thể lây sang cá khác, động vật khác và thậm chí cả con người.
Cá bị vẹo cột sống (bên phải) có ngoại hình biến dạng so với cá bình thường (bên trái). Ảnh: Directorsblog
Lạm dụng thuốc, hóa chất: Hiện nay, người nuôi thường lạm dụng thuốc, hóa chất trong quá trình ương, nuôi cá. Các loại hóa chất cải tạo ao, hồ, thuốc xử lý nước, xử lý môi trường, đặc biệt thường xuyên sử dụng kháng sinh trong phòng, trị bệnh. Ngoài những kháng sinh chuyên biệt dùng trong nuôi trồng thủy sản, người nuôi còn sử dụng kháng sinh dùng cho người, kháng sinh nguyên liệu, kháng sinh không rõ nguồn gốc. Liều dùng tăng dần sau mỗi lần cá bệnh, dùng 2, 3, thậm chí 4 loại thuốc kháng sinh phối hợp với nhau nhưng không nắm rõ cơ chế phối hợp thuốc.
Bệnh thường xuất hiện nhất ở giai đoạn ấu trùng hoặc cá bột, vẹo cột sống là một biến dạng của cột sống, theo đó cột sống phát triển độ cong hình chữ “S” hoặc “C”. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến cá trưởng thành. Bệnh có thể tiến triển chậm theo thời gian hoặc duy trì ổn định trong suốt thời gian tồn tại của cá. Cá bị bệnh cũng sẽ gặp khó khăn khi bơi và chúng thường bị các loài cá khác bắt nạt vì yếu. Tốc độ tăng trưởng của cá của cũng bị ảnh hưởng.
Bệnh trên các loài cá rô đồng, cá lóc, cá trê vàng, chủ yếu là vẹo cột sống phần lưng sau đầu. Do ngoại hình biến dạng, giá trị hàng hoá giảm thấp, nên khi thu mua, thương lái thường ép giảm 20 – ≥ 40 % giá thu mua thực tế, gây thất thu rất lớn cho người nuôi.
Cá bị nhẹ chỉ bị dị tật một chút do lệch cột sống nhưng nếu bị nặng, phần đầu cá bị gãy cúp xuống.
Bệnh có thể dễ dàng chẩn đoán bằng mắt thường. Trường hợp nếu cá bị bệnh lao thì còn kèm theo các triệu chứng khác như: Ăn mất ngon; sự đổi màu; tổn thương trên cơ thể; vây gấp; mắt lồi; sút cân…
Để hạn chế, giảm tỷ lệ cá nuôi bị gù, việc chọn cá bột, cá hương, cá giống thả nuôi rất quan trọng, nên chọn đàn cá bố mẹ từ các đàn khác nhau, có nguồn gốc rõ ràng, kích cỡ cá giống đồng đều, khoẻ mạnh, bơi lội linh hoạt.
Trong quá trình nuôi, thường xuyên bổ sung vitamin, axit hữu cơ, chất khoáng, enzyme hỗ trợ tiêu hóa… nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cá.
Nói không với lạm dụng hoá chất, kháng sinh. Hạn chế phối trộn nhiều loại thuốc khi chưa nắm rõ hoạt tính dược lực, chỉ định sử dụng, đặc biệt là tương tác thuốc giữa các nhóm kháng sinh, đề kháng kháng sinh. Tránh việc sử dụng thuốc quá nhiều gây tốn kém chi phí, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển cá nuôi, nhưng hiệu quả điều trị thấp. Khi cần thiết, phải dùng kháng sinh trong danh mục cho phép sử dụng, dùng đúng liều khuyến cáo, giới hạn thời gian điều trị không quá 5 ngày, đảm bảo thời gian bài thải thuốc trước khi xuất bán.
Lê Loan