(TSVN) – Trải qua gần 4 năm bị Ủy ban châu u (EC) cảnh báo “thẻ vàng”, Việt Nam đã rất nỗ lực để có thể gỡ bỏ, tuy nhiên, chặng đường thực hiện này còn rất gian nan khi còn một số khuyến nghị của EC vẫn chưa thể được thực hiện, nhất là tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa chấm dứt.
Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU và đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện. Để kiểm tra kết quả, phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019 và tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam thực hiện trong thời gian tới.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của COVID-19, phía EC không sang kiểm tra được thực tế, tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, đánh giá của phía EC đối với báo cáo cập nhật của Việt Nam gần đây là rất đáng quan ngại, cho rằng vẫn còn những vấn đề nghiêm trọng trong việc thực hiện khung pháp lý mới và việc tuân thủ, đặc biệt là công tác kiểm soát tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, thực thi quy định xử phạt hành chính đối với công tác kiểm soát tàu cá và kiểm soát thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm.
Điều này là rất rõ ràng, bởi theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến ngày 25/5/2021, cả nước vẫn xảy ra 32 vụ/56 tàu/446 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển các nước trong khu vực bị bắt giữ, xử lý. Trong đó, nghiêm trọng nhất là các tỉnh như Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là Kiên Giang. Cùng đó, việc điều tra, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế, vẫn chưa đưa ra xử lý được trường hợp nào để răn đe, giáo dục.
Ảnh minh họa
Hiện nay, vì bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Và nếu tình huống xấu đó xảy ra thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, việc bị cảnh báo cũng như việc khắc phục “thẻ vàng” chậm, không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới.
Nhằm thực hiện tốt các khuyến nghị của EC, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả bước đầu ấn tượng. Cụ thể, tính đến nay, số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915/30.778 tàu cá (đạt 87,45%); số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định của Bộ NN&PTNT là 85.620/94.572 tàu, đạt 90,53%;
Cùng đó, đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương; nhiều địa phương có vụ việc vi phạm đã giảm đáng kể so với trước như: Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bến Tre…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Đồng thời, khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng.
Sắp tới, để nhanh chóng giải quyết sự vụ này, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt để ngay trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm hiện nay; đến tháng 10/2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng đó, kiểm tra, rà soát, hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá (đặc biệt là tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh…); hoàn thành việc đánh dấu tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, đúng quy định của pháp luật; rà soát các trường hợp vi phạm, thực hiện xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU để răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, đảm bảo có đủ điều kiện để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao về kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng, vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá và xử lý các hành vi khai thác IUU…
Về lâu dài, sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm ngăn chặn, chấm dứt, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, quy định về chống khai thác IUU; quan tâm thực hiện, thúc đẩy xã hội hóa đối với việc đầu tư, khai thác hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá…
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc EC đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam gây ảnh hưởng đến ngành thủy sản Việt Nam và đời sống của ngư dân; ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Vì vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo để từng bước chúng ta gỡ “thẻ vàng” và tuyệt đối không để nguy cơ bị “thẻ đỏ”.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, giải thích pháp luật, vận động ngư dân thay đổi thói quen, nhận thức rõ các hành vi vi phạm, tuyệt đối tuân thủ các quy định về khai thác thuỷ sản. Cùng đó, rà soát, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo chống khai thác IUU một cách hiệu quả.