(TSVN) – Hỏi: Vào mùa mưa, ao nuôi tôm thường có các sinh vật xâm nhập, gây hại đến tôm nuôi. Làm thế nào để ngăn chặn?
(Trần Thế Nam, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)
Trả lời:
Những sinh vật thường xâm nhập vào ao nuôi bao gồm các loại cá tạp, côn trùng, giáp xác không mong muốn và vi sinh vật có hại. Chúng thường xuất hiện theo dòng chảy nước mưa, hoặc phát triển mạnh khi trời mưa.
Khi xuất hiện trong ao, chúng sẽ cạnh tranh thức ăn với tôm nuôi, làm giảm tài nguyên dinh dưỡng. Ngoài ra chúng có thể làm đục nước ao do hoạt động di chuyển và kiếm ăn của chúng. Điều này không chỉ làm giảm chất lượng nước mà còn khiến các chất thải từ các sinh vật này tích tụ, gây ô nhiễm hữu cơ và làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho tôm. Đặc biệt, cua, còng có thể cắn hoặc làm tổn thương tôm nhỏ, tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể tôm. Bên cạnh đó, các vi sinh vật có hại phát triển mạnh sau mưa có thể gây bệnh lây lan nhanh trong ao, làm suy giảm đàn tôm và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Để hạn chế sự xâm nhập của cá tạp và các loài sinh vật không mong muốn khác, người nuôi nên lắp đặt lưới lọc ở hệ thống cấp thoát nước. Lưới lọc phải có độ mịn vừa phải để ngăn chặn các sinh vật kích thước nhỏ xâm nhập vào ao nuôi khi nước tràn vào. Cùng đó, cần lót bạt và lưới quanh bờ có thể hạn chế các loài giáp xác như cua, còng,… Điều này không chỉ bảo vệ tôm khỏi các loài gây hại mà còn giúp dễ dàng quản lý môi trường ao.
Trong quá trình nuôi, cần kiểm soát lượng thức ăn và sử dụng vi sinh. Người nuôi nên cung cấp lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm nước. Việc sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý chất hữu cơ trong ao giúp giảm thiểu nguy cơ phát triển vi sinh vật có hại sau mưa, đồng thời cải thiện chất lượng nước.
Sau các đợt mưa lớn, người nuôi nên thường xuyên kiểm tra, loại bỏ cá tạp, giáp xác và côn trùng trong ao.
Ban KHKT