Theo Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích ngành hàng thủy sản tại Rabobank, nguồn cung cá hồi trong năm 2024 ổn định và sản xuất bột cá, dầu cá chuyển biến tích cực sẽ là những yếu tố làm giá cá hồi giảm nhẹ về mức hấp dẫn người mua hơn. Rabobank dự kiến nguồn […]
Theo Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích ngành hàng thủy sản tại Rabobank, nguồn cung cá hồi trong năm 2024 ổn định và sản xuất bột cá, dầu cá chuyển biến tích cực sẽ là những yếu tố làm giá cá hồi giảm nhẹ về mức hấp dẫn người mua hơn.
Rabobank dự kiến nguồn cung cá hồi trong nửa đầu năm 2024 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng từ nước sản xuất lớn nhất thế giới là Na Uy tăng khoảng 2%. Cùng đó, sản lượng thu hoạch cá hồi ở đảo Faroes tăng 34% so cùng kỳ, Canada tăng 4% và Scotland tăng 5%.
Tuy nhiên, nguồn cung từ Chile, nước sản xuất cá hồi lớn thứ hai thế giới, dự kiến giảm 7% so cùng kỳ 2023. Nhưng đây cũng là yếu tố giúp cân bằng nguồn cung cá hồi toàn cầu để không rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa; đồng thời duy trì giá cá ở mức có lợi cho người nuôi. Trong năm 2024, ngành cá hồi Chile có thể tiếp tục đối mặt nguy cơ thiệt hại do tảo độc nở hoa, quy định pháp lý và thách thức sinh học do El Nino gây ra. Do đó, nguồn cung cá hồi toàn cầu được dự báo tăng trưởng nhẹ, đặc biệt trong quý 1. Nhưng do nhu cầu tiêu thụ cá hồi duy trì tốt nên giá bán của mặt hàng này vẫn diễn biến tích cực.
Gorjan Nikolik nhấn mạnh, giá cá hồi khó lên mức đỉnh của hai năm trước mà sẽ giảm nhẹ vào đầu năm 2024. Một tín hiệu tích cực cho người nuôi cá hồi trong năm nay là nguồn cung bột cá dự kiến cải thiện khi hiện tượng El Nino suy yếu sẽ hỗ trợ tích cực cho giá cá hồi. Năm ngoái, Peru đã hủy vụ khai thác cá cơm đầu tiên khiến giá dầu cá tăng vọt, ảnh hưởng không nhỏ đến người nuôi cá hồi. Ngoài ra, giá đậu nành cũng bắt đầu hạ nhiệt từ cuối năm 2023, giúp người nuôi cá hồi sẽ “dễ thở” hơn với chi phí thức ăn trong nửa đầu năm 2024.
Tuy nhiên, triển vọng ngành tôm kém lạc quan hơn ngành cá hồi khi Rabobank dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm ở phương Tây chưa chuyển biến rõ rệt, trong khi nguồn cung từ Ecuador tiếp tục tăng. Do đó, người nuôi tôm toàn cầu có thể phải chấp nhận mức giá thấp cũng là một “bình thường mới”.
Tuấn Minh
(Theo Fishfarming)