Ngành cá tra một năm biến động trước đại dịch COVID-19

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2020, ngành cá tra khủng hoảng và tất cả những chuỗi cung ứng liên quan đến loài cá này đều chịu tác động ít nhiều, bao gồm: ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, công nghiệp phụ phẩm, nặng nề nhất vẫn là trại nuôi và công nghiệp chế biến.

Năm 2017, Dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng nổ. Nguồn cung thực phẩm tại Trung Quốc bị ảnh hưởng do sụt giảm sản lượng thịt heo. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp và chính sách để điều chỉnh bao gồm hỗ trợ nhập khẩu nông sản từ các nước trong đó có Việt Nam và đặc biệt là sản phẩm cá tra. Mỗi container cá tra xuất đi được hỗ trợ đến 70 triệu VNĐ và kéo dài tới cuối năm 2019. Trong khoảng thời gian đó, do nhu cầu cá tra tăng cao kéo theo giá cá tra đạt đỉnh 36.000 VNĐ/kg, đồng thời sản lượng sản xuất để đáp ứng cũng tăng mạnh từ 1,2 lên 1,9 triệu tấn. Nhờ vậy mà sản phẩm cá tra Việt Nam đã được đưa đến nhiều ngõ ngách tại thị trường Trung Quốc.

Đến đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng lên ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ hàng nhập khẩu giảm đột ngột và sản phẩm cá tra cũng không ngoại lệ. Việc bỏ chính sách hỗ trợ nhập khẩu từ phía Chính phủ Trung Quốc kèm theo lượng cá tra nuôi ở Việt Nam lên đến 1,9 triệu tấn, đã kéo giá cá tra chạm đáy còn khoảng 17.000 VNĐ/kg, nhiều hộ nuôi thiệt hại nặng nề, nhà máy chế biến thì dư công suất, hàng tồn kho nhiều, phải giảm giá bán để cạnh tranh và tiếp tục duy trì sản xuất để giữ hàng trăm đến hàng chục nghìn công nhân. Đối với các trại nuôi cá tra không có đầu ra, người dân phải bỏ đói chúng trong ao. Còn với ngành công nghiệp chế biến, cá phải để tồn kho lạnh ở khắp miền Tây. Quan trọng hơn, chất lượng hàng tồn này giảm dần theo thời gian, tiêu tốn tiền điện, lãi vay mỗi ngày…

Vậy chúng ta phải làm gì, tại thời điểm này để khắc phục những khó khăn đó?

– Tỷ lệ chết từ 30% tới 50%: Cần cải thiện giống, phương thuốc, thức ăn chức năng bổ sung, giải pháp môi trường.

– FCR 1.6 – 1.7 và ngày càng tăng: Nâng cao chất lượng thức ăn chức năng bổ sung cho các nhà máy Aquafeed.

– Sản phẩm chế biến đa phần là thô, ai cũng có thể làm được và đạp giá nhau xuống để dễ bán: Cơ hội cho sản phẩm chế biến giá trị cao cho nhà máy Seafood.

– Bùn thải ao cá hơn 70%, thức ăn không tiêu hóa sẽ thải ra ao và sông: Tận thu làm bùn và phân hữu cơ.

Một vấn đề khác đó là qua chuyến đi đến các ao nuôi lớn, mới nghe được nhiều câu chuyện, có tiến sĩ nọ kia xuống ao nuôi hô hào PR và cuối cùng cũng phải chào thua trước kinh nghiệm cũng như kiến thức bài bản của những người chủ trại này. Thiết nghĩ, các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay nên mời họ về để cùng nghiên cứu, phát triển hướng giải quyết, cách điều trị bệnh… cũng như các buổi Talkshow với sinh viên các trường, để các tân kỹ sư này có thể đi làm ngay sau khi rời trường bằng những kiến thức thực tế mà họ tích góp được thay vì chỉ là trên sách vở.

Với những thông tin cập nhật từ việc đi thực nghiệm tại các hộ nuôi cá tra, hy vọng các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành hiểu hơn để “đổi mới và sáng tạo” ngành công nghiệp lớn và còn nhiều tiềm năng này. Ngành công nghiệp cá hồi họ đã thành công! Vậy tại sao chúng ta còn chần chừ?

>> Trước những trăn trở của ngành và với thế mạnh công nghệ của hệ sinh thái trong NAN Group (MFC, NAN Biotech, Nor-Feed Việt Nam, Lallemand Việt Nam và IMBTCO), NAN Group sẽ tiên phong phát triển dự án “Catfish Innovation” để sau 2 - 5 năm nữa, chúng ta sẽ thấy được Việt Nam có thể ứng dụng các công nghệ, nhằm giải quyết vấn đề từ thức ăn đến ao nuôi…

Nguyễn Anh Ngọc

Chủ tịch NAN Group

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!