Ngành cá tra và yêu cầu phải “nâng tầm”

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành cá tra Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, đầu năm nay lại gặp nhiều khó khăn khi các thị trường chính liên tục cảnh báo chất lượng, thậm chí đóng cửa. Vấn đề quản lý chất lượng để xây dựng thương hiệu ngày càng bức bách.

Khó khăn phủ kín

Ngày 31/1/2014, Cơ quan Giám sát Nông nghiệp Nga (Rosselkhoznadzor) đã quyết định, Nga cấm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, cũng như tất cả các sản phẩm cá tra của 8 doanh nghiệp Việt Nam. Một doanh nghiệp Hà Lan cũng vừa cảnh báo một số doanh nghiệp Việt Nam sử dụng chất phụ gia cấm trong chế biến cá tra, có thể bị EU từ chối nhập khẩu.

Nóng dư luận hơn cả là Đạo luật Nông nghiệp Mỹ đã được Tổng thống Barack Obama ký thực hiện vào đầu tháng 2/2014; trong đó quy định cá tra Việt Nam muốn xuất khẩu vào Mỹ phải đáp ứng các yêu cầu từ vùng nuôi đến quy trình chế biến, nhãn mác như cá da trơn ở Mỹ và phải được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp phép.

 Nhiều người Mỹ, trong đó có ông John McCain, thượng nghị sỹ Mỹ cùng 11 thượng nghị sỹ khác đang bảo trợ một đạo luật nhằm loại bỏ chương trình kiểm soát cá da trơn. Mới đây, trả lời báo chí Việt Nam, ông John McCain có nói, vấn đề cá da trơn “đáng xấu hổ” nên ông “sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại”. Cách thức đấu tranh, ông cũng nói rõ:Mỗi khi có dự luật nào liên quan các điều khoản đó được đưa ra thì tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để có các điều khoản sửa đổi nhằm xóa bỏ cơ quan giám sát cá da trơn đó”.

 

“Chiến đấu” với chính mình

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngành cá tra Việt Nam cần nghiêm túc nhìn lại mình để thay đổi, phát triển. Ở Đồng Tháp, một tỉnh hằng năm xuất khẩu cá tra đạt giá trị hơn 400 triệu USD, Giám đốc Sở Công thương Nhị Văn Khải trả lời báo chí: Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại và tiếp tục chiến đấu với chính mình, nhanh chóng xây dựng ngành hàng cá tra phát triển theo hướng bền vững, nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Hãy chủ động “vượt trên ngăn chặn” hơn là thụ động đối phó, kêu ca khi gặp khó trong thị trường đầy biến động này.

Thực tế, cá tra xuất khẩu của nước ta, bên cạnh đa số lô hàng tốt vẫn thỉnh thoảng xen lẫn lô hàng kém chất lượng. Tổng cục Thủy sản nhiều năm qua đã liên tục cảnh báo tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu; mạ băng tỷ lệ cao, thậm chí còn bơm nước để tăng trọng. Một số doanh nghiệp không có nhà máy chế biến, chỉ mua đi bán lại kiểu “chụp giựt”.

Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tổng cục Thủy sản cũng nhìn nhận, đây là cơ hội tốt để các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong nước. Tổng cục nhấn mạnh trách nhiệm các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu: “Liên kết với nhau, cải thiện hình ảnh và độ tin cậy với các đối tác nhập khẩu Mỹ, cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm”.

 

Chất lượng là thương hiệu

Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cá tra trong hoàn cảnh khó khăn lúc này có quá nhiều việc phải làm. Nhưng như nhiều ý kiến đã phân tích, trước hết, phải quản lý được chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu. Không thể kéo dài tình trạng như Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, TS Võ Hùng Dũng nhận xét, các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ quan tâm lợi ích bản thân.

Hiện, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng đã có thay đổi để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, các doanh nghiệp bị cấm xuất khẩu vào Nga đang khắc phục những điểm yếu để sớm được dỡ bỏ lệnh cấm. Tháng 11/2013, ông Hòe thay mặt VASEP đã ký văn bản ghi nhớ với ông Joachim Coens, Giám đốc điều hành Cảng Zeebrugge ở Bỉ, về mở trung tâm phân phối cá tra Việt Nam vào EU.

Ở địa phương, tỉnh Đồng Tháp trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã chú trọng tái cơ cấu ngành hàng cá tra. Đồng Tháp hiện có 20 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, trong đó có 9 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các doanh nghiệp đã nuôi hơn 180 ha cá tra. Một số công việc cụ thể được Đồng Tháp đề ra cho năm 2014: xây dựng mô hình tư vấn chuyên nghiệp về thị trường, quảng bá thương hiệu, xây dựng một số mô hình quản lý kỹ thuật, chất lượng sản phẩm.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là từ những nỗ lực của từng doanh nghiệp, địa phương được xây dựng thành quy trình, hệ thống quản lý chất lượng để duy trì nền nếp. Trong đó, VASEP chấn chỉnh được kỷ cương xuất khẩu, không để tồn tại những doanh nghiệp “ăn xổi ở thì” chỉ làm mất uy tín cá tra. Bộ NN&PTNT có chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng cá tra, hỗ trợ đầu tư phát triển bền vững. Ngành cá tra phải là ngành hàng sản xuất có điều kiện.

>> Để tạo dựng thị trường cá tra ổn định, Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL đề xuất cần có biện pháp quản lý hiệu quả về diện tích và sản lượng nuôi toàn vùng, nhằm điều phối hợp lý theo nhu cầu “tăng – giảm” của thị trường xuất khẩu trong từng thời điểm; xem xét đưa ra giá sàn và xử lý nghiêm doanh nghiệp bán phá giá, gây rối thị trường.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!