Khai thác quá mức và quản lý kém hiệu quả đã khiến sản lượng cá tuyết Bắc Mỹ suy giảm nghiêm trọng. Nhưng, ở vùng biển thuộc Bắc Băng Dương, Na Uy và Nga đang cùng nhau hợp tác để giữ vững ngành khai thác cá tuyết lợi nhuận cao và bền vững.
Khai thác bền vững
Na Uy khẳng định có thể duy trì sự ổn định của sản lượng cá tuyết thông qua hạn ngạch chung với Nga trong Hiệp ước khai thác thủy sản Nga và Na Uy năm 2013, thời hạn 50 năm. Từ đó, Na Uy sẽ hợp tác quản lý nguồn lợi cá tuyết đông bắc Bắc Băng Dương và biển Barents hiệu quả. Đây cũng là nỗ lực lớn của hai nước trong quản lý nguồn lợi cá tuyết cod, đặc biệt trong điều kiện khí hậu biến đổi bất thường và tình trạng khai thác cá trái phép, không khai báo (IUU) vẫn tăng.
Năm 2014, Chính phủ Na Uy lập ra hạn ngạch khai thác cá tuyết cod xấp xỉ 107.000 tấn, tạo thêm nhiều việc làm cho ngư dân và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trên cả nước. Tuy nhiên, để công bố được con số hạn ngạch hợp lý, các nhà khoa học phải nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra thông số chính xác cho Hội đồng quốc tế về khai thác biển (ICES). Hạn ngạch được chia theo tỷ lệ 40:40 giữa Nga và Na Uy, 20% còn lại cho các bên thứ 3 gồm Iceland, Greenland và đảo Faroes cùng một số nước khác thuộc châu Âu.
Nguồn: Nordnorge
Hiện, toàn bộ cá tuyết cod xuất xứ Na Uy đều được Hội đồng biển quốc tế cấp chứng nhận bền vững MSC. Ngoài cá tuyết cod, tất cả các loài cá biển lớn tại Na Uy cũng đạt chứng nhận MSC.
Luật bám sát thực tế
Tại các nhà máy chế biến cá tuyết ở Na Uy, cá được cắt khúc đủ kích cỡ, phù hợp yêu cầu từng thị trường khác nhau. Không bộ phận nào bị bỏ phí từ da, xương đến nội tạng. Cá tươi được chuyển thẳng tới Oslo, phần đầu cá được giao cho thị trường Nigeria. Đây là loại cá tuyết Atlantic – loài cá đang suy giảm sản lượng tại Bắc Mỹ do khai thác quá mức và quản lý kém hiệu quả. Nguồn lợi cá tuyết cod tại Georges Bank và ngư trường thuộc bang New England đã xuống mức đáng báo động, nhiều doanh nghiệp phá sản vì thiếu nguyên liệu, đối lập với sự hưng thịnh của ngành công nghiệp cá tuyết cod tại Na Uy.
Sự thành công, ngoài hệ thống luật pháp cứng rắn, rất cần ý thức cao trong khâu chấp hành luật của đơn vị khai thác cá. Ngư dân đánh bắt cá tuyết ở Na Uy luôn có ý thức sử dụng ngư cụ không phá hoại hệ sinh thái. Luật pháp nước này cũng quy định toàn bộ sản lượng khai thác không mong muốn phải được sử dụng như các loại thực phẩm bình thường. Điều này có nghĩa, các tàu khai thác sẽ bị phạt nặng nếu bị phát hiện quăng ném hay lãng phí sản lượng thủy sản khai thác không muốn.
Nga và Na Uy cùng ký hiệp ước quản lý song phương nên cả hai nước luôn kiểm tra lẫn nhau trong quá trình khai thác để đảm bảo tính minh bạch. Harald Gjøseter, nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải Na Uy cho biết, quản lý khai thác luôn là câu chuyện nói dễ hơn làm. Hệ thống quản lý muốn hiệu quả phải dựa trên sự phối hợp ăn ý giữa nhà quản lý, ngư dân và nhà khoa học để tìm ra được những mặt còn hạn chế. Từ thực tiễn đó mới đặt ra luật lệ quản lý phù hợp và sát thực tế nhất. Điều này cũng lý giải tại sao hệ thống quản lý khai thác thủy sản của Na Uy thành công trong khi các nước khác ở Bắc Mỹ vẫn đang tranh cãi và chưa tìm được tiếng nói chung.
>> Na Uy tuyên bố có trữ lượng cá tuyết lớn nhất thế giới và đang nỗ lực quản lý khai thác bền vững nguồn lợi đáng giá này. Na Uy và Nga đã đồng ý tăng 25% hạn ngạch khai thác cá tuyết haddock biển Barents năm 2015. |