THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cao cho thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Quyết định số 02/QĐ-BNN-KH của Bộ NN&PTNT ban hành ngày 2/1/2019, năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP cho ngành thủy sản là 4,65%, trong khi phương án của Bộ là tăng trên 4,65%. Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đưa ra nhiều giải pháp thực hiện.


Phát triển mạnh nuôi các đối tượng chủ lực, trọng tâm là nuôi tôm, cá tra và nuôi biển

Cụ thể từng lĩnh vực

Về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, theo chỉ đạo từ Bộ NN&PTNT, ngành thủy sản cần tập trung nâng cao chất lượng khai thác, tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác hải sản, đảm bảo gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, vận chuyển, bốc dỡ sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch… Thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vang” của EC; hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.

Về nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh nuôi các đối tượng chủ lực, trọng tâm là nuôi tôm, cá tra và nuôi biển. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025, Đề án sản phẩm quốc gia tôm nước lợ và cá da trơn, rà soát, điều chỉnh Chiến lước phát triển nuôi biển đến năm 2030. Phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; hỗ trợ nông dân phát triển nuôi quản canh cải tiến, nhân rộng các mô hình kết hợp lúa – thủy sản, nuôi kết hợp tôm, cá và các đối tượng khác hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Giữ ổn định diện tích nuôi cá tra khoảng 5.400 ha. Ổn định diện tích nuôi tôm sú 620.000 ha, sản lượng 330.000 tấn; phát huy lợi thế của nuôi tôm thẻ chân trắng, gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu, duy trì diện tích nuôi tôm chân trắng khoảng 105.000 ha, sản lượng 530.000 tấn, tạo động lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển ngành tôm đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2020. Đẩy mạnh phát triển nuôi cá rô phi thâm canh trong ao ở Đồng bằng Bắc bộ, nuôi lồng bè ở Nam bộ; phát triển nuôi nhuyễn thể và các loại thủy sản khác phù hợp với từng vùng, miền, thị trường.

Chú trọng chế biến tiêu thụ

Trong lĩnh vực chế biến, tập trung chế biến sâu, giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng mới nổi và thị trường tiêu thụ trong nước.

Kiểm soát chặt chẽ và khống chế tốt dịch bệnh trên tôm; kịp thời cảnh báo để hạn chế rủi ro. Kiểm soát chặt chất lượng giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu, ngăn chặn việc tiêm chích tạp chất và tồn dư kháng sinh trong thủy sản nuôi; hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Mặt khác, Bộ NN&PTNT còn đưa ra giải pháp để thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản. Trong đó, ưu tiên việc tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định tự do thương mại đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường.

Đồng thời, nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…), kịp thời cảnh báo các quy định về rảo cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài; Duy trì xúc tiến quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua các Hội chợ triển lãm nông nghiệp lớn trong nước (Agroviet, Crafviet, Vietfish, VietShrimp). Tham gia các Hội chợ quốc tế lớn ngành nông nghiệp tại các thị trường…

Cùng đó, tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc sản phẩm thủy sản (đặc biệt đối với việc EU rút thẻ vàng các sản phẩm hải sản Việt Nam). Quảng bá sản phẩm thủy sản kết hợp giải quyết các vướng mắc, rào cản đối với sản phẩm gạo, thịt lợn, sữa với thị trường Trung Quốc; thủy sản, rau quả, cà phê  đối với thị trường Nhật Bản; thủy sản, cao su, trái cây với Hàn Quốc; tiếp tục tháo gỡ rào cản thương mại cho sản phẩm thủy sản (tôm) tại thị trường Úc. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nông thủy sản thông qua các biện pháp quản lý theo chuỗi từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến xuất khẩu, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP, ISO 22000…)…

Ngoài ra, trong năm 2019, sẽ tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng koa học công nghệ: ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…

>> Năm 2019, phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,69%, giá trị gia tăng trên 4,65%; tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,08 triệu tấn, trong đó, khai thác 3,69 triệu tấn, tăng 2,6%; nuôi trồng 4,38 triệu tấn, tăng 5,6%. Kim ngạch xuất khẩu trên 10,5 tỷ USD.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!