(TSVN) – “Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển sang chủ động, tự tin, kịp thời sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế” – Đó là đánh giá củaThủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Hội nghị Tổng kết của Bộ NN&PTNT diễn ra chiều ngày 03/01/2024
Chiều 03/01/2024, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu trên cả nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị; cùng tham dự có lãnh đạo các Bộ, ngành, các đơn vị trực thuộc Bộ, đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội,…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng những kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp năm 2023
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở nhiều mặt và lĩnh vực.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến báo cáo kết quả của ngành năm 2023 và nhiệm vụ trong năm 2024
Bức tranh toàn cảnh ngành nông nghiệp năm 2023 có nhiều điểm sáng, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế, trong đó thủy sản tăng 3,71%; sản lượng thủy sản đạt 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, mặc dù vậy, bộ NN&PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với nhiều chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành là 3,0 – 3,5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực thuỷ sản là 3,7 – 4%.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nhất là “Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm”, thực hiện Chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng…
Hội nghị đã được nghe đại diện các tỉnh, thành, Hiệp hội ngành hàng trình bày tham luận, trong đó có một số ý kiến liên quan đến phát triển thủy sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lắng nghe ý kiến từ đại diện các tỉnh, thành
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Cà Mau là địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, do vậy tỉnh luôn chủ động xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó chủ yếu nằm ở 2 khu vực là lúa tôm và rừng ngập mặn. Gần đây, tỉnh phát triển thêm mô hình nuôi thủy sản tại bán đảo Cà Mau. Về kế hoạch năm 2024, ông Sử cho biết: Cà Mau phấn đấu 100% diện tích nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế, đồng thời mở rộng, hoàn thiện chuỗi du lịch gắn với tái tạo nguồn lợi biển. Tỉnh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm triển khai đề án phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với đào tạo nghề cho người dân.
Đại diện tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Khánh Hòa có nhiều lợi thế phát triển nuôi biển. Là một trong những địa phương sản xuất giống thủy sản lớn của khu vực duyên hải miền Trung, tỉnh Khánh Hòa tích cực phát triển ngành thủy sản theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai sử dụng lồng nuôi bằng vật liệu HDPE, chịu được sóng lớn, bão, phù hợp cảnh quan, góp phần phát triển du lịch. Năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa đạt 18.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2018. Về công tác tuyên truyền chống khai thác IUU, năm 2023, Khánh Hòa đã ban hành 230 văn bản, kiên quyết xử lý 89 trường hợp vi phạm hành chính.
Lắng nghe ý kiến từ một số địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân trong việc tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành. Với đề xuất của Cà Mau, Bộ trưởng hứa sẽ tiếp tục kết nối để phát triển nông nghiệp sinh thái tại Cà Mau, và dự kiến sẽ tổ chức một chương trình vào tháng 4 tới đây về nuôi tôm dưới tán rừng tràm, rừng đước.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm: Vừa qua, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã có dịp thăm mô hình cảng cá hiện đại, công nghệ cao tại Hàn Quốc. Cảng cá này được vận hành trên cơ sở hợp tác công – tư, doanh nghiệp và địa phương cùng quản trị. Bộ sẽ trình Thủ tướng cơ chế quản trị công trình cảng cá tích hợp đa giá trị, từ du lịch tới sản xuất và xin cơ chế thí điểm cho cảng cá Hòn Rớ, Khánh Hòa.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng thành công của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thủ tướng nhấn mạnh: Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển sang chủ động, tự tin, kịp thời sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Thương mại nông, lâm, thủy sản đã góp phần quan trọng ổn định đời sống người dân. Theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực. Nhiều sự kiện quan trọng được ngành nông nghiệp tổ chức thành công, gây tiếng vang, tiêu biểu là Festival tôm Cà Mau 2023.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kính tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính bình gốm lưu niệm
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp cần nâng cao tinh thần, kỹ năng trình độ cho người nông dân, đảm bảo tăng trưởng của ngành, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thương mại điện tử, thúc đẩy khoa học công nghệ, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra thương hiệu riêng cho ngành. Sắp tới Chính phủ sẽ có kế hoạch cương quyết hơn để gỡ thẻ vàng, rà soát công tác chống khai thác IUU tại các tỉnh.
Thủ tướng đề xuất Bộ NN&PTNT chủ động hợp tác chặt chẽ, kết nối hiệu quả với các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân, kết nối thị trường để cùng phát triển. Các chủ trương chính sách cần trúng và đúng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đổi mới nhưng phải mang hiệu quả bền vững, lâu dài.
Thùy Khánh