Ngành Thủy sản 2011: Vẫn còn trăn trở

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – 2011 tiếp tục là một năm thành công của ngành Thủy sản Việt Nam, với những kết quả vượt kế hoạch ở hầu hết các lĩnh vực và đặt thềm hy vọng cho năm mới 2012. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều trăn trở.

Nuôi trồng – ít thuận lợi

Theo báo cáo của Vụ Nuôi trồng Thủy sản, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt trên 3.000 tấn, bằng 106% năm 2010 và 103,4% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng thủy sản nước ngọt ước đạt 2.120 tấn, thủy sản mặn, lợ ước đạt 880 tấn.

Mặc dù đạt được những kết quả ấn tượng như vậy, nhưng năm 2011, nuôi trồng thủy sản vẫn còn phải đối diện với nhiều vấn đề. Con giống chưa đảm bảo chất lượng, đặc biệt trong cá tra và tôm. Tỷ lệ sống của cá tra bột lên cá hương chỉ đạt 20-30%. Chất lượng cá bố mẹ thấp, chưa được tiêu chuẩn hóa; lượng tôm giống chưa qua kiểm dịch còn cao, tôm bố mẹ chất lượng không đồng đều và khó kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, nghề sản xuất tôm giống cũng gặp nhiều thách thức, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng và kéo dài, giá tôm bố mẹ tăng cao (tôm sú từ 5-7 triệu đồng/cặp)… cùng với đó là giá thức ăn, chế phẩm sinh học cũng tăng khiến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống gặp khó. Mặt khác, giá tôm post lên xuống thất thường, thời điểm tháng 3, 4 giá tôm sú dao động khoảng từ 40-60 đồng/post 12, tôm thẻ chân trắng vào khoảng 30-50 đồng/post 12. Tuy nhiên, sau thời gian dịch bệnh bùng phát, giá tôm sú giống đã tăng đột biến lên 60-102 đồng/post 12, tôm thẻ chân trắng từ 50-85 đồng/post 12…

Nâng cao chất lượng khai thác hải sản đang được đặt ra cấp bách       Ảnh: Huy Hùng

Mặt khác, tình trạng sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn và là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm chết. Năm 2011, diện tích tôm và nghêu chết cao gấp 3 lần năm 2010 (85.000 ha tôm nuôi với khoảng 15 tỷ con giống và 3.000 ha nghêu), trong đó, nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt là do hội chứng ngộ độc bắt nguồn từ hóa chất nông dược. Phần lớn hộ bị thiệt hại thường dùng các sản phẩm có thành phần nông dược là Cypermethrin, Deltamerthrin để diệt tạp trong vùng nuôi tôm và cải tạo ao nuôi…

Một khó khăn nữa ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản là do giá thức ăn tăng liên tục và ở mức cao. Nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản tương đối lớn, nhưng lượng nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng. Nguyên liệu để sản xuất thức ăn thủy sản phải nhập với khối lượng lớn (khoảng 50%), trong đó ngô nhập 25%, đậu tương, khô dầu nhập 90%, khoáng, vitamin 95%…

Bên cạnh đó, sự biến động của thị trường cũng đã tác động trực tiếp đến ngành sản xuất, nhất là nuôi cá tra và được dự báo là tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.

 

Khai thác – chưa hết khó

Theo báo cáo của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, tính đến giữa tháng 12/2011, tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt trên 2,35 triệu tấn, tăng 2,32% so với cùng kỳ, trong đó, hải sản đạt trên 2,1 triệu tấn.

2011 là một năm đánh giá sự thành công của ngành khai thác, trong đó các mô hình sản xuất trên biển theo tổ, đội đã bước đầu phát huy hiệu quả, công tác quản lý tàu cá đã thực hiện tương đối tốt với việc phối hợp quản lý tàu cá khi xuất bến, quản lý tàu cá bằng thiết bị giám sát đã giúp đảm bảo an toàn hoạt động nghề cá trên biển và phòng tránh thiên tai. 

Tuy nhiên, năm 2011, ngành khai thác cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp; nguồn lợi hải sản chưa có dấu hiệu phục hồi trong khi áp lực khai thác ngày càng gia tăng; nguồn lợi hải sản vùng biển xa vẫn chưa có thông tin đầy đủ; giá nguyên liệu, vật tư phục vụ cho khai thác vẫn tiếp tục tăng (có thời điểm tăng đến 43% so với năm 2010), trong khi giá bán sản phẩm chỉ tăng khoảng 20-25%; tình hình thất thoát vẫn lên tới 25-30%; tai nạn tàu cá tuy có giảm song vẫn còn cao; trật tự an ninh trên các vùng biển, tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá nước ngoài hoạt động ở vùng biển Việt Nam tiếp tục gia tăng…

 

Hướng sang năm 2012

Để hạn chế những khó khăn nhằm đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản, năm 2012, Tổng cục Thủy sản đã đề ra nhiều giải pháp như: tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, các yếu tố đầu vào của sản xuất; đưa quy trình VietGAP vào áp dụng trong nuôi trồng thủy sản. Hoàn thiện việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất giống, đặc biệt là các cơ sở sản xuất giống cá tra và tôm nước lợ trên địa bàn cả nước. Ban hành khung thời vụ; xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc cảnh báo dịch bệnh, môi trường nuôi và một số phương án xử lý…

Đối với ngành khai thác, năm 2012, dự báo tình hình thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ngư trường, nguồn lợi hải sản chưa có dấu hiệu tốt lên; những khó khăn về đầu vào như giá nhiên liệu, vật tư phục vụ khai thác chưa giảm sẽ còn tác động bất lợi, trong khi đầu ra chưa có giải pháp tháo gỡ, đặc biệt trong việc giảm thiểu tổn thất.

Do vậy, để đối phó với những khó khăn này, ngành khai thác còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó đáng chú ý là phải tập trung xây dựng đề án điều tra nguồn lợi hải sản vùng đặc quyền kinh tế nhằm đáp ứng công tác xây dựng bản tin dự báo khai thác. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện mô hình tổ, đội sản xuất trên biển, xây dựng sổ tay hướng dẫn tổ đội sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả, mở rộng việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá; tiếp tục nghiên cứu đề xuất xây dựng đề án hiện đại hóa tàu cá, phấn đấu đến năm 2015 hình thành đội tàu cá khai thác viễn dương…

>> Năm 2012, ngành Thủy sản đề ra mục tiêu tăng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.100.000 ha, sản lượng 3,15 triệu tấn; khai thác thủy sản đạt 2,2 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 6,3 – 6,5 tỷ USD.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!