(TSVN) – Sáng ngày 3/7, tại Hà Nội, Cục Thủy sản tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân đồng chủ trì Hội nghị. Ngành thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để đạt được mục tiêu đề ra.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết: Ngành thủy sản triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho khai thác; Giá xăng dầu tương đối ổn định. Bên cạnh đó, ngành cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT. Chiến lược phát triển ngành NN&PTNT, Chiến lược phát triển Thủy sản, các chương trình, đề án thực hiện Chiến lược đã được phê duyệt đồng bộ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị của Cục Thủy sản sáng 3/7 tại Hà Nội
Nhờ vậy, 6 tháng qua, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng sản lượng thủy sản đạt 4,385 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 47,6% kế hoạch. Trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt 1,953 triệu tấn, tăng 1,0% so với cùng kỳ, đạt 55,2% kế hoạch. Nuôi trồng thủy sản đạt 2,431 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ, đạt 42,8% kế hoạch. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4,355 tỷ USD, tăng 4,9% cùng kỳ năm 2023 và đạt 45,8% kế hoạch (9,5 tỷ USD).
Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng đầu năm
Về quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, hiện cả nước có 85.980 tàu, bao gồm 68.872 tàu đã đăng ký; 17.108 tàu chưa đăng ký. Công bố mở cảng cho 76 cảng cá trên địa bàn 26 tỉnh, thành phố. Công bố 75 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện hoạt độngvới tổng công suất đáp ứng khoảng 50.000 tàu cá. Phát hiện, phối hợp địa phương xử lý 18 lượt tàu có chiều dài trên 24 m vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển; 103 tàu có chiều dài trên 24 m mất kết nối trên 10 ngày trên biển; 10.761 lượt tàu từ 24 m trở lên mất kết nối trên 6 giờ đến 10 ngày trên biển.
Bên cạnh một số kết quả đã đạt được như vừa nêu, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản Nhữ Văn Cẩn cũng chỉ ra một số khó khăn đối với ngành thủy sản như: ảnh hưởng của biến động thế giới về chính trị, kinh tế, xã hội và xung đột Nga – Ukraine; Giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất; Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành; Tổ chức liên kết trong khai thác và nuôi trồng còn hạn chế; Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; Ủy ban Châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản cho biết: Thời gian qua, Cục Thủy sản luôn tích cực phối hợp với Cục Kiểm ngư và các đơn vị thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT nhằm ngăn chặn tàu cá vi phạm, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và giám sản sản lượng khai thác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì vẫn còn nhiều tàu mất kết nối VMS, tỉ lệ xử phạt vi phạm tại nhiều địa phương còn thấp, chưa mang tính răn đe. Ông Hải đề xuất Bộ, các cơ quan tham mưu sớm phê duyệt bổ sung để tăng tỉ lệ xử phạt do VMS. Liên quan đến việc thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử tại các cảng cá, ông Hải cho biết hiện nay, có 26 tỉnh đã thực hiện trừ Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh chưa làm do không có cảng.
Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản cho rằng tỉ lệ xử phạt vi phạm VMS tại nhiều địa phương còn chưa mang tính răn đe
Một vấn đề nữa cũng đang gây khó cho nhiều doanh nghiệp hiện nay đó là quy định về kích cỡ chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn là 0,5 m. Mặc dù quy định nêu ra dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tuy nhiên quy định này cũng đang khiến cho nhiều doanh nghiệp khan hiếm nguồn nguyên liệu, nguy cơ mất nhiều thị trường lớn. Ông Hải kiến nghị, cần điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian sớm nhất để đảm bảo tăng trưởng và xuất khẩu.
Đồng quan điểm, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, quy định khai thác cá ngừ vằn từ 50 cm trở lên cũng làm khó ngư dân khi đánh bắt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt nguyên liệu, phải sử dụng nguồn nhập khẩu. Cũng theo bà Hằng, quy định cấm trộn nguyên liệu khai thác trong nước và nguyên liệu nhập khẩu trong cùng 1 lô hàng khiến cho doanh nghiệp gặp khó khi làm chứng nhận. Dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sợ không dám làm hàng có nguồn cung trong nước mà nhập từ nước ngoài để gia công xuất khẩu. Điều này sẽ khiến chính chúng ta bị mất đi nguồn lợi trong nước. Bà Hằng đề xuất nên có điều chỉnh về quy định, tạo cơ chế mở cho doanh nghiệp, đáp ứng được quy định chống khai thác IUU, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu xuất khẩu.
Lý giải về nguyên nhân khiến cho sản lượng nuôi trồng chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng (Nuôi trồng thủy sản 6 tháng qua đạt 42,8% kế hoạch), ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản cho biết: 6 tháng cuối năm thường vào vụ chính nên sản lượng sẽ cao hơn so với thời điểm đầu năm. Để triển khai nhiệm vụ, đơn vị luôn tích cực tham mưu lãnh đạo Cục Thủy sản cùng các đơn vị của Cục, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Thú y cùng các địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm giúp người nuôi cải tiến kỹ thuật; Bên cạnh đó mở rộng các đối tượng nuôi chủ lực. Căn cứ vào tình hình thời tiết ở từng khu vực để có dự báo, cảnh báo kịp thời tới người nuôi, để phòng rủi ro do dịch bệnh.
Qua nghe ý kiến từ các đơn vị, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận định: Hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể đạt được mục tiêu như đề ra đó là giảm sản lượng khai thác. Số lượng tàu, thuyền cũng chưa giảm so với kỳ vọng, công tác quản lý, giám sát đội tàu còn gặp một số khó khăn. Số lượng tàu bị xử phạt do mất kết nối VMS vẫn còn chưa sát với con số báo cáo. Bên cạnh đó, việc sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) đang dần được triển khai tại các địa phương, có nơi làm tốt song cũng còn nhiều tỉnh chưa làm được.
“Do vậy, Hội nghị lần này là dịp để các đơn vị cùng thẳng thắn nhận diện những tồn tại trong 6 tháng qua, từ đó có sự thay đổi, chuyển đổi đồng bộ trong khai thác và nuôi trồng. Cần phải có kế hoạch cụ thể nuôi đối tượng nào cho phù hợp, từ đó đem lại sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển”. Cục trưởng Luân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự chuyển biến tích cực của ngành thủy sản
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự chuyển biến tích cực của ngành thủy sản để đạt được những kết quả như đã nêu. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu rõ, trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều thách thức, chống IUU phải thực sự quyết liệt hơn thì mới đảm bảo gỡ thẻ vàng. Bên cạnh đó, Cục Thủy sản cần có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng để giảm khai thác, tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung cao độ để hoàn thành mục tiêu trong năm 2024.
Trong đó, trước mắt, cần rà soát lại đội tàu; xem xét tháo gỡ khó khăn liên quan đến quy định kích cỡ khai thác cá ngừ vằn; Đẩy mạnh quản lý con giống, thức ăn, đăng kiểm khai thác cảng cá, quan trắc môi trường,…triển khai đồng bộ. Đồng thời, cần bám sát, theo dõi thường xuyên hoạt động quan trắc môi trường nuôi phải gắn với thú ý phòng bệnh và an toàn sinh học. Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng cần tập trung nuôi biển, cơ giới hóa đội tàu khai thác, nghiên cứu để làm đề án về công nghệ khai thác thủy sản trong đó có bảo quản. “Nếu chúng ta cứ duy trì tàu nhỏ, công nghệ lạc hậu như hiện nay thì rất khó phát triển”. Thứ trưởng khẳng định.
Thùy Khánh
Trong 6 tháng cuối năm, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng khoảng 4,89 triệu tấn; bao gồm: sản lượng khai thác: 1,57 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng: 3,32 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu: 5,1 tỷ USD. Chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2024: Tổng sản lượng thủy sản: 9,22 triệu tấn, bao gồm: sản lượng khai thác: 3,54 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng: 5,68 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu: 9,5 tỷ USD.