Ngành thủy sản hiện thực hóa mục tiêu 10 tỷ USD

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhờ sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng tại các thị trường chính, ngành thủy sản Việt Nam đang dần hiện thực hóa mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2024.

Tăng trưởng ấn tượng

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi đạt mức đỉnh 1 tỷ USD trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản tháng 11 tuy chững lại nhẹ nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ấn tượng, với giá trị đạt 924 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng trưởng 11,5% so với năm 2023.
Xuất khẩu tôm và cá tra đều có kết quả tích cực nhờ sự hồi phục về nhu cầu và giá tại các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc cùng với thế mạnh sản phẩm giá trị gia tăng tại các thị trường khác như Nhật Bản, Australia… Sự hồi phục và bứt phá của các thị trường nhập khẩu chính, nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng qua và những tháng cuối năm.

VASEP cho biết, xuất khẩu tôm đạt mức tăng 22% trong tháng 11 và dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm. Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. Trong đó, cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm và dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm 2024. Cá ngừ mặc dù tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tăng 8% so với tháng 11/2023 và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022. Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó nhuyễn thể có vỏ có mức tăng trưởng ấn tượng tới 180%.

Bên cạnh các sản phẩm chủ lực, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn phát triển mạnh các sản phẩm phụ như bột cá. Xuất khẩu bột cá đạt 220,4 triệu USD trong 10 tháng đầu năm và dự báo cả năm sẽ đạt 264,6 triệu USD, với thị trường Trung Quốc chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu bột cá.

Theo VASEP, hiện Trung Quốc, Hồng Kông đã vượt lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11/2024, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền Mỹ có thể áp dụng các mức thuế mới.

Chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng nhập khẩu dồn dập trong các tháng cuối năm 2024, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những rủi ro như tăng cước vận tải.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP nhận định, sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid-19, chiến tranh, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm.

Mặt hàng chủ lực

Với ngành tôm, ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra về thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia bao gồm: Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Trong số các nước cùng bị điều tra, mức thuế của Việt Nam thấp hơn mức thuế dành cho Ấn Độ và Ecuador.

Như vậy, với việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp cao hơn đối với sản phẩm tôm từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia vào cuối tháng 12/2024, ngành tôm Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng được lợi thế này trong thời gian tới.

Nhập khẩu tôm vào Hoa Kỳ từ 3 nguồn cung chính đều giảm, điều này làm tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tâm lý thị trường và tình hình kinh tế lạc quan hơn, tồn kho giảm, tình trạng cung vượt cầu đã được cân bằng trở lại nên nhu cầu nhập khẩu từ Hoa Kỳ dự kiến sẽ cao hơn, giá tôm trên thị trường này cũng được cải thiện và có chiều hướng tăng.

Cùng với đó, mùa lễ hội cuối năm vẫn sẽ là cơ hội để xuất khẩu tôm nước ta bùng nổ. Việc khai thác tốt dư địa từ các thị trường bằng nhiều sản phẩm chế biến sâu sẽ giúp ngành hàng tỷ đô này tiếp tục tăng trưởng và đóng góp tích cực vào mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD của ngành thủy sản.

Bên cạnh các cơ hội trên, việc Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) cũng sẽ mở ra con đường lớn cho tôm Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông – châu Phi.

Để đạt được mục tiêu cuối năm 2024 cũng như năm tiếp theo cho ngành tôm, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lưu ý, vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.

Ngành cá tra Việt Nam năm 2024 phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Giá cả hàng hóa và vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn duy trì ở mức cao, trong khi chi phí logistic tăng mạnh. Thêm vào đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ một số quốc gia đang chiếm thị phần tại thị trường Hồi giáo đã tạo áp lực lớn lên ngành. Giá thu mua cá tra nguyên liệu thấp cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất của các cơ sở giống và nuôi thương phẩm, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ.

Tuy vậy, nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý và hiệp hội, ngành cá tra Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, cải thiện cả về chất lượng sản phẩm lẫn giá trị xuất khẩu.

Theo số liệu từ VASEP, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cá tra Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong 10 tháng vẫn giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt hơn 479 triệu USD.

Xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 291 triệu USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ hiện vẫn là thị trường tiềm năng lớn, đặc biệt nhờ vào các chương trình như “Bữa trưa học đường” và “Hỗ trợ thực phẩm và dinh dưỡng” của Chính phủ Mỹ, kéo dài đến hết quý I/2025. Thêm vào đó, sự suy giảm nguồn cung cá cod từ Nga và cá rô phi cũng tạo điều kiện để cá tra Việt Nam gia tăng thị phần.

VASEP tin rằng, ngành cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì triển vọng tích cực trong năm 2025, với sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu các sản phẩm cá tra chế biến. Đây sẽ là động lực chính giúp ngành cá tra Việt Nam vượt qua những thách thức và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Đông Phong

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!