T6, 01/12/2023 02:10

Ngành thủy sản luôn có tốc độ tăng trưởng ấn tượng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là nhận định của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trong buổi trao đổi thông tin với báo chí về tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản diễn ra chiều 30/11 tại văn phòng Bộ NN&PTNT.

Năm 2023 là một năm đặc biệt khó khăn đối với toàn ngành kinh tế, không chỉ đối với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng đã thu được những kết quả rất tích cực. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của thủy sản luôn đạt tỉ trọng trên 50%, góp phần quan trọng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của quốc gia.  

Tháng 11 thị trường tiêu thụ trong nước tương đối ổn định. Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 11, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 800 triệu USD, tăng 1,4%. Tuy nhiên, do giá trị của một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu nên tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng qua của nhóm thuỷ sản đạt 8,24 tỷ USD, giảm 18,9%. Kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản đạt 2,41 tỷ USD, giảm 3,4%. Tháng 11 nhìn chung thị trường tiêu thụ trong nước duy trì ổn định, nguồn cung được đảm bảo, riêng giá cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm (dao động từ 26.500 – 26.800 đồng/kg), giá tôm sú khoảng 220.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt sản lượng trên 9 triệu tấn. Điều này hoàn toàn có thể, vì hết 11 tháng, sản lượng đã đạt 8,5 triệu tấn; trong đó nuôi trồng 4,9 triệu tấn, tăng xấp xỉ 4%; khai thác 3,6 triệu tấn, tăng 0,4%; cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn. Thứ trưởng nhấn mạnh “tốc độ tăng trưởng trong 2 năm gần đây của ngành thủy sản luôn rất ấn tượng”. 

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Liên minh kinh tế Á- Âu…; Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!