Ngành tôm 2024: Trung Quốc có thể “soán ngôi” Ecuador

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Dư cung quá cao, không có thị trường nội địa làm “hậu thuẫn”, bị DOC điều tra thuế chống bán phá giá, dịch bệnh cũ “cõng” bệnh mới; đều là những yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất tôm của Ecuador nói riêng và các cường quốc tôm (Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam) nói chung trong năm 2024. Bởi vậy, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia đứng đầu về sản xuất tôm trong năm mới.

Khó khăn cho các cường quốc tôm

Theo ông Robins McIntosh, Giám đốc cấp cao Công ty Charoen Pokphand Foods, sản lượng tôm thẻ chân trắng của toàn cầu sẽ giảm khoảng 20.000 tấn xuống còn 4,959 triệu tấn trong năm 2024, tôm sú giảm khoảng 107.000 tấn xuống còn 5,379 triệu tấn. Ông tính toán, sản lượng tôm của Ecuador có thể giảm khoảng 200.000 tấn xuống còn 1,2 triệu tấn (năm 2023 là 1,405 triệu tấn). Sản lượng tôm năm 2023 của Ấn Độ đạt 790.000 tấn, và năm 2024 sẽ tăng nhẹ lên khoảng 810.000 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng tăng 10.000 tấn, tôm sú tăng 20.000 tấn. Indonesia sẽ giữ nguyên sản lượng của năm 2023 và 2022. Sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam được dự đoán giảm xuống còn khoảng 400.000, nhưng tôm sú tăng lên 150.000 tấn trong năm 2024.

Theo ông McIntosh, năm 2024 sẽ có nhiều dịch bệnh cũ bùng phát và thêm một số bệnh mới. Cụ thể, bệnh mờ đục trắng gan trên tôm giống tôm thẻ chân trắng (TPD) xuất phát từ vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, bắt nguồn từ Trung Quốc sau đó xuất hiện tại Việt Nam. Bệnh này được cho là nguy hiểm hơn bệnh EMS (bệnh tôm chết sớm, cũng gọi là chứng hoại tử gan tụy cấp). Nếu bệnh này tiếp tục lây lan ra khắp thế giới, có thể ngành tôm toàn cầu sẽ chịu một đòn giáng khủng khiếp.

Ngoài ra, với đa số phiếu ủng hộ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp tục điều tra thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng lên tôm nhập khẩu, Mỹ có thể sẽ trở thành thị trường rất khó khăn đối với tôm Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam trong năm 2024. Tuy phải tới mùa Thu hoặc mùa Đông, chính phủ liên bang mới ra quyết định chính thức, nhưng từ ngày 25/3/2024, các nhà nhập khẩu sẽ bắt đầu bị “thấm đòn”. Bởi đó là ngày DOC sẽ tuyên bố 4 quốc gia kể trên có đã và đang được hưởng trợ cấp đối kháng hay không, nếu có, họ sẽ bị buộc ký quỹ một khoản tiền tương đương với số tiền được hưởng lợi từ những chương trình trợ cấp. Bên cạnh đó là áp lực từ Hiệp hội Chế biến Tôm Mỹ yêu cầu DOC áp thuế chống bán phá giá lên tôm nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia. Theo kế hoạch, kết quả sơ bộ sẽ được thông báo trước tháng 5/2024. 

Trung Quốc vẫn hăng hái sản xuất

Một tình huống của thị trường được ông McIntosh đưa ra, đó là dư cung vẫn là chủ đề nóng trên mọi diễn đàn trong năm 2024. Cũng bởi vậy, thị trường tôm chưa thể phục hồi. Hàng trong kho vẫn chất đống. Tuy nhiên, các quốc gia với thị trường tiêu thụ nội địa mạnh mẽ như Trung Quốc hay Brazil sẽ có lợi thế hoàn hảo để gia tăng sản xuất. Người dân Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ tôm sống, bởi vậy bước sang năm 2024, các hệ thống nuôi tôm bằng ao vèo sẽ phát triển mạnh mẽ. 

Mặc dù TPD hay EHP đang là vấn đề người nuôi tôm Trung Quốc quan tâm và lo ngại, nhưng sản xuất trong năm mới của Trung Quốc vẫn vô cùng thành công. “Người nuôi tôm Trung Quốc đang tái cấu trúc các ao nuôi cũ thành hệ thống ao vèo để thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Công việc này không tốn nhiều thời gian, mỗi năm Trung Quốc có thêm khoảng 100.000 ao vèo mới được thả giống, như vậy sản lượng tôm thẻ của họ lại gia tăng thêm 200.000 tấn/năm. Những ao vèo này có diện tích 150-300 m2 đặt trong các nhà kính. Hiện cả nước có tổng cộng khoảng 400.000 ao vèo. Nếu mỗi ao cho năng suất 2 tấn/năm, như vậy mô hình này giúp Trung Quốc thu về 800.000 tấn tôm mỗi năm”, ông McIntosh cho biết, “Ngoài ra, mô hình này có thể bảo vệ vụ mùa tốt hơn các ao nuôi (thả nuôi tôm sú) khác khi có vấn đề dịch bệnh xảy ra”.

Như vậy, trong năm 2024, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 1,2 triệu tấn, tôm sú tăng lên 200.000 tấn. Trung Quốc có thể “soán ngôi” Ecuador trở thành quốc gia sản xuất tôm mạnh nhất thế giới. 

An Vy

(Theo Undercurrentnews)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!